Bứt phá đổi mới mô hình tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để kinh tế đất nước tăng trưởng bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải là nền tảng, là động lực quan trọng của mô hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 cần hướng tới một mô hình có thể tận dụng được những lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Lê Tiên
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 cần hướng tới một mô hình có thể tận dụng được những lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Lê Tiên

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, với Báo Đấu thầu.

Nhìn lại việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật?

Có thể thấy, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mạnh mẽ, đạt hầu hết các chỉ tiêu, với kết quả tương đối cao.

Kinh tế vĩ mô ổn định và đạt được các mục tiêu đề ra như lạm phát duy trì ở mức hợp lý, bội chi ngân sách nhà nước giảm, thu ngân sách nhà nước đạt mức khá cao, cơ cấu nguồn thu được cải thiện, tỷ giá được điều hành hợp lý, nợ công giảm đáng kể… Điều này giúp cải thiện sức chống chịu của nền kinh tế trước những tác động, biến đổi của kinh tế thế giới.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 43,3% giai đoạn 3 năm 2016 - 2018; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 43,5%…

Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo xu hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước, tổ chức tín dụng cũng như thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đạt được những kết quả ấn tượng.

Đặc biệt, những năm gần đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới liên tiếp ghi nhận những cải cách của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực ĐMST; đồng thời đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin cho đánh giá, xếp hạng chỉ số này. Một số tổ chức, DN Việt Nam rất quan tâm đầu tư cho KHCN, ĐMST và đã đạt được kết quả tương xứng. Điều này khẳng định kết quả tăng trưởng vừa qua có đóng góp rất quan trọng của nhân tố KHCN và cố gắng lớn lao của mỗi người Việt Nam.

Kết quả này chứng tỏ nền kinh tế đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.

Nhưng vẫn còn nhiều mục tiêu trong Kế hoạch chưa đạt được, thưa ông?

Đúng vậy, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhìn chung đang được tiến hành chậm hơn so với yêu cầu và còn nhiều thách thức. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng vốn đầu tư và sử sụng lao động chi phí thấp, vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động.

Quá trình cơ cấu lại DN nhà nước còn một số hạn chế. Tình hình thực hiện cổ phần hóa nhìn chung còn rất chậm.

Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vẫn còn một số hạn chế. Cơ cấu lại đầu tư công còn một số bất cập, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn chậm dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Các nghiên cứu cũng như thực tiễn chỉ ra, KHCN và ĐMST đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông, nội dung này cần đặt ra như thế nào trong yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới?

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển sâu rộng, việc đầu tư cho KHCN là rất cần thiết và nếu không đầu tư cho KHCN thì đất nước sẽ chậm phát triển. Vì thế, tôi đặc biệt quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và đưa nghị quyết này vào cuộc sống. Đây là điều quan trọng nhất nhằm tạo ra những động lực mới, cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 52-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi những thành tựu của CMCN 4.0 thúc đẩy rất mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự thay đổi về cách thức tăng trưởng.

Trong cuộc cách mạng này, đơn vị đo lường là tốc độ, bởi sự thay đổi rất nhanh. Vì vậy, thể chế, chính sách cũng phải thay đổi rất nhanh, đúng hơn là phải thực sự linh hoạt, tiến kịp cùng với sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Nếu áp đặt tư duy cũ thì sẽ không có tiến bộ nào cả, thậm chí triệt tiêu sáng tạo, đổi mới. Vì sẽ có những mô hình chưa thể gọi tên, chưa có quy định, nên cần tư duy mới để tiếp cận.

Cách tiếp cận ở đây cần đi cùng với các DN, đi cùng với các nhà đầu tư, từ đó tạo ra đối tác trong việc giải quyết các vấn đề phát triển.

Xin ông cho biết rõ hơn về KHCN và ĐMST sẽ là nền tảng tăng trưởng?

Hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển. Năng lực ĐMST của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt. Cuộc CMCN 4.0 tạo đột phá công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất với sự kết hợp giữa hệ thống thực và hệ thống ảo; phá vỡ các giới hạn về vật chất của quá trình phát triển; có thể tạo ra quy mô, tốc độ phát triển nhanh và mạnh chưa từng có trong tiền lệ lịch sử về kinh tế… Đây là những điều kiện quan trọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 cần hướng tới một mô hình có thể tận dụng được những lợi thế của CMCN 4.0, dựa trên KHCN và ĐMST để kinh tế bứt phá nhanh và bền vững.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng này, thưa ông?

Báo cáo Việt Nam năm 2035 nhấn mạnh nội dung cần thiết xây dựng năng lực ĐMST quốc gia để thực hiện khát vọng đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Để đạt được mục tiêu này, phải xác định KHCN và ĐMST là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính để phát triển mô hình kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Do đó, điểm đầu tiên tiếp tục phải làm là thay đổi về nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, DN cũng như người dân để thúc đẩy ĐMST một cách thực chất. Tiếp đó là vấn đề thể chế. Thể chế phải rất linh hoạt để thúc đẩy ĐMST và thúc đẩy phát triển loại hình, mô hình, ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới. Sẽ có những mô hình kinh doanh chúng ta chưa lường hết được, có thể áp dụng thí điểm trong việc quản lý nhà nước. Từ đó, những mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới và sản phẩm mới được xuất hiện… Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn loại bỏ những rào cản, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách; điều chỉnh, bổ sung, thay thế bằng những chính sách mới, thích hợp với tình hình mới.

Về phía DN, cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN, ĐMST nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí không cần thiết...

Chuyên đề