Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác quản lý nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM chưa chặt chẽ. Ảnh: D.Tuấn |
Cơ quan này cũng bị đánh giá là chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
Có dấu hiệu buông lỏng quản lý
Kết luận thanh tra của TTCP cho biết, qua kiểm tra điểm tại 5 Chi cục Thuế tại TP.HCM thì phát hiện 10 tổ chức có nợ quá hạn, nhưng Chi cục Thuế chưa ra thông báo tính tiền chậm nộp với tổng số tiền phải nộp NSNN tăng thêm là 3.581 triệu đồng. Việc thông báo thu nợ và cưỡng chế thu hồi nợ tiền đất cũng chưa được cơ quan thuế chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Cụ thể là việc chậm ban hành thông báo đối với 40 tổ chức không thực hiện cưỡng chế phong tỏa; trích tiền từ tài khoản đối với 28 tổ chức, dư nợ 542.986 triệu đồng, dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài.
Qua thanh tra, TTCP còn phát hiện, việc thu thập chứng cứ, áp dụng pháp luật xử lý vi phạm trong quá trình thanh, kiểm tra của cơ quan thuế chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, dẫn đến phải hủy bỏ quyết định xử lý truy thu thuế đối với một số trường hợp khiếu nại của người nộp thuế. Trong đó, có 2 trường hợp ra quyết định giải quyết công nhận khiếu nại không đúng quy định, dẫn đến giảm số xử lý truy thu theo kết luận thanh, kiểm tra thuế, với tổng số tiền là 4.958,5 triệu đồng.
Quá trình tiếp nhận và xử lý hóa đơn bất hợp pháp theo thông báo của Công an chuyển đến Cục Thuế cũng không kịp thời, có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý. “Có 7 trường hợp (14 tờ hóa đơn) doanh nghiệp (DN) mua hóa đơn chuyển đến địa điểm kinh doanh, nhưng cơ quan thuế không thông báo đến cơ quan quản lý thuế mới để xử lý; có 421 tờ hóa đơn bất hợp pháp do cơ quan Công an chuyển đến, nhưng do Cục Thuế xử lý chậm, không triệt để, dẫn đến quá thời hiệu xử phạt”, TTCP chỉ rõ.
Đáng chú ý, TTCP nêu rõ tình trạng DN sử dụng hóa đơn mua của DN bỏ trốn xảy ra trên phạm vi rộng, là vấn đề nổi cộm, phức tạp, gây thất thu cho NSNN. Tuy vậy, các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý thông qua công tác thanh, kiểm tra và công tác quản lý của Cục Thuế TP.HCM còn hạn chế. “Kết quả kiểm tra, xác minh phát hiện có 44 DN (bên mua) sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ để kê khai, hoàn thuế với số tiền phải truy thu và giảm khấu trừ là 26.394 triệu đồng”, TTCP nêu dẫn chứng.
Cũng theo TTCP, đến thời điểm kết thúc thanh tra, TTCP đã bàn giao cho Cục Thuế TP.HCM toàn bộ thông tin, số liệu của 9.116 DN do TTCP kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế quản lý phát hiện DN có sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế với tổng giá trị là 3.537.439 triệu đồng, để cơ quan thuế tiếp tục kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền.
Thiếu kiên quyết trong áp dụng biện pháp cưỡng chế
Công tác quản lý nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM cũng chưa chặt chẽ; số liệu nợ đọng thuế trên báo cáo định kỳ (tháng, năm) của Cục Thuế được đánh giá phản ảnh chưa đầy đủ, thiếu chính xác so với số liệu thực tế còn nợ đọng. Việc đối chiếu, xác nhận công nợ của đơn vị cũng không thường xuyên, không kịp thời nên số liệu nợ phản ánh sai thực tế. “Kết quả kiểm tra tại thời điểm 30/9/2014 cho thấy, Cục Thuế TP.HCM ban hành Thông báo không kịp thời làm giảm số nợ thuế (tiền chậm nộp) so với thực tế là 161.906 triệu đồng. Đặc biệt, cơ quan thuế theo dõi, quản lý đối với 844 trường hợp báo cáo hết dư nợ tại thời điểm 30/9/2014, tính thiếu tiền chậm nộp là 19.470 triệu đồng”, TTCP cho biết.
Nhận định nợ thuế trên địa bàn TP.HCM hàng năm đều tăng, nhất là các khoản nợ trên 90 ngày, tuy nhiên, theo đánh giá của TTCP, Cục Thuế TP.HCM chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế như: không áp dụng biện áp cưỡng chế phong tỏa, trích tiền từ tài khoản 25 DN nợ thuế 321.816 triệu đồng; không áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế khác đối với 82 DN nợ thuế 457.411 triệu đồng. Việc làm này dẫn đến số nợ thuế không giảm mà ngày càng tăng, nhất là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày, tính đến thời điểm 30/9/2014 là 10.626.704 triệu đồng, chiếm 60% tổng số tiền nợ thuế.