Bước chuyển lớn của ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và cải tiến, nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, công tác đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đối với những gói thầu nhiều phần (lô) trong lĩnh vực y tế kể từ ngày 1/1/2023 ghi một bước tiến vượt bậc về công khai, minh bạch.
Ngày 26/9/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định sẽ đấu thầu qua mạng 3 gói thầu có 1.244 mặt hàng thuốc với tổng dự toán hơn 1.105 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Ngày 26/9/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định sẽ đấu thầu qua mạng 3 gói thầu có 1.244 mặt hàng thuốc với tổng dự toán hơn 1.105 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Khó nhất là thay đổi thói quen, tư duy

Việc xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) và triển khai ĐTQM bắt đầu được thí điểm từ năm 2009 và chính thức áp dụng theo lộ trình trên phạm vi toàn quốc từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2023, các gói thầu mua thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế có nhiều lô/phần mới bắt đầu được triển khai ĐTQM.

Lĩnh vực y tế chậm triển khai ĐTQM chủ yếu do tính chất đặc thù, sự khác biệt lớn về chủng loại hàng hóa so với hàng hóa thông thường. Mỗi gói thầu có nhiều chủng loại hàng hóa với nhiều mức giá khác nhau, số lượng mặt hàng mua sắm có thể từ vài trăm cho đến hàng nghìn sản phẩm và không có nhà thầu nào có thể đáp ứng việc cung cấp tất cả các mặt hàng mời thầu.

Trong khi đó, Hệ thống e-GP triển khai từ năm 2009 - 2022 chưa có tính năng hỗ trợ ĐTQM đối với những gói thầu có nhiều phần (lô) trong lĩnh vực y tế. Khi Hệ thống e-GP mới đi vào vận hành đã bổ sung thêm nhiều phân hệ, tính năng, tạo nên những bước cải tiến đột phá về công nghệ, từ đó công tác ĐTQM theo phần (lô) mới được triển khai.

Tuy vậy, thời gian đầu, công tác ĐTQM trong lĩnh vực y tế không mấy thuận lợi, gặp nhiều trở ngại. Trao đổi với báo chí, các cơ sở y tế, đơn vị mua sắm bày tỏ không muốn triển khai ĐTQM, muốn quay về cách làm cũ là đấu thầu trực tiếp với nhiều lý do như: hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng, việc tải file còn bị treo, trích xuất thông tin chào thầu gặp khó khăn, thao tác nhiều lần mới thành công... Đỉnh điểm là vào đầu tháng 3/2023, một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM “xin” không ĐTQM, vì gói thầu từ 300 mặt hàng trở lên thường bị gián đoạn…

Lý giải điều này, chuyên gia hỗ trợ người dùng của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, trong thời gian đầu, Hệ thống chưa vận hành ổn định nên người dùng có thể mất nhiều thời gian thao tác nhập liệu do tải file tài liệu dung lượng lớn, nhưng đến nay những vấn đề này đã cơ bản được khắc phục.

Trở ngại chính, theo vị chuyên gia trên, không phải do lỗi của Hệ thống, bởi Hệ thống chỉ là công cụ để cụ thể hóa các quy định chuyên môn mang tính chuyên ngành của từng lĩnh vực. Nếu quy định chuyên ngành của lĩnh vực đó chưa đầy đủ, chưa chi tiết và đồng nhất thì không thể cụ thể hóa thành những tính năng, quy trình triển khai ĐTQM trên Hệ thống. Lý do chậm trễ trong ĐTQM của ngành y không thể không kể đến những vướng mắc nội tại của ngành trong một thời gian dài, không chỉ gây khó khăn cho việc triển khai ĐTQM mà còn khiến hoạt động mua sắm, đấu thầu của ngành rơi vào bế tắc trong 2 năm qua, gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị trên diện rộng.

Lấy ví dụ cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ, hướng dẫn của Bộ Y tế về mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền chưa đồng nhất nên các đơn vị liên quan không thể triển khai ĐTQM trên Hệ thống e-GP mới… Chỉ khi Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được Bộ Y tế ban hành ngày 12/3/2023, quy trình đấu thầu gói thầu dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại các mẫu HSMT mới được chuyển hóa sang môi trường tương thích với Hệ thống e-GP mới. Cùng với đó, những vướng mắc trong xây dựng giá kế hoạch đã được gỡ bỏ như quy định bắt buộc tham khảo 3 báo giá, bổ sung quy định cho phép đơn vị mua sắm được chọn giá cao trong xây dựng giá gói thầu...

Theo lộ trình quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, Thông tư 16/2022/TT-BKHĐT, Thông tư 06/2023/TT-BYT, thời gian triển khai ĐTQM đối với gói thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có nhiều phần (lô) được ấn định là ngày 1/1/2023; gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền áp dụng ĐTQM từ ngày 27/4/2023.

Tuy vậy, trong quá trình thực thi vẫn còn một số trở ngại. Theo cán bộ phụ trách đấu thầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, đó là tâm lý sợ sai vì chưa quen với Hệ thống e-GP mới, chưa nắm vững quy trình và các thủ tục trong ĐTQM, không có chuyên môn về công nghệ thông tin dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện...; ngại đổi mới vì đã quen với đấu thầu trực tiếp; sợ trách nhiệm vì áp lực hậu kiểm và những đại án trong lĩnh vực y tế liên tiếp xảy ra thời gian qua. Thực tế, theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông, cũng không loại trừ khả năng một số địa phương, đơn vị né tránh ĐTQM vì phương thức này quá minh bạch.

Hiệu quả rõ rệt từ số hóa hoạt động đấu thầu

Trái ngược với những lo lắng, e ngại ban đầu, đến nay, việc triển khai ĐTQM của ngành y tế đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo số liệu từ Hệ thống e-GP, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2023, có 5.165 thông báo mời thầu ĐTQM từ các đơn vị mua sắm của ngành y tế trên cả nước với tổng giá trị là 77.758,5 tỷ đồng.

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa hoàn thành ĐTQM 3 gói thầu thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2023 với tổng dự toán hơn 734,054 tỷ đồng sau 3 tháng triển khai. Ngoại trừ năm 2021 - 2022 gặp nhiều vướng mắc dẫn đến kéo dài gần 1 năm, thì các năm trước đó (năm 2017, 2019) trung bình mất tới 4 tháng để hoàn thành các gói thầu này, trong khi số lượng mặt hàng tăng dần qua các năm.

Ngày 26/9/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định sẽ ĐTQM 3 gói thầu có 1.244 mặt hàng thuốc với tổng dự toán hơn 1.105 tỷ đồng…

Kể từ khi Hệ thống e-GP mới chính thức đi vào hoạt động, theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Bến Tre, việc quản lý quá trình mua sắm công điện tử được thực hiện xuyên suốt, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu thầu, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu ngày càng công khai, minh bạch.

“Thực tế cho thấy, việc triển khai ĐTQM là rất hiệu quả và an toàn cho chủ đầu tư, bên mời thầu, giảm tải việc lưu trữ hồ sơ. Sở dĩ một số đơn vị mua sắm kêu ca chủ yếu là do họ ngại đổi mới và bộ phận chuyên môn không mạnh về công nghệ thông tin. Hiện nay, Hệ thống đã cơ bản thực hiện được hầu hết các khâu của quy trình đấu thầu theo từng mặt hàng và liên tục cập nhật những tính năng mới phục vụ cho việc tìm kiếm thuận tiện hơn. Trong những trường hợp đăng tải thông tin bị lỗi, Hệ thống cho phép gói thầu được tự động gia hạn. Không chỉ vậy, Hệ thống còn đưa ra những cảnh báo giúp chủ đầu tư, bên mời thầu tránh được sai sót và tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, cán bộ quản lý phụ trách đấu thầu của một sở y tế tại khu vực phía Nam nói.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho rằng, việc triển khai ĐTQM giúp các nhà thầu có nhiều cơ hội tham gia và giám sát cuộc thầu, nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của nhà thầu được đảm bảo kịp thời hơn thông qua hoạt động giám sát của tất cả các bên liên quan, vì được công khai trên môi trường mạng.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế thời gian tới khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các đơn vị mua sắm cần nâng cấp trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ thực thi; tăng khả năng am hiểu và vận dụng các quy định trong đấu thầu; đề cao đạo đức trong mua sắm; hiểu rõ tính năng, kỹ thuật của các thiết bị y tế để lựa chọn được cấu hình phù hợp…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư