Bổ sung khía cạnh mới về tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới năm 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tham vấn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà kinh tế, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển… Điểm đáng chú ý của Dự thảo là bổ sung các khía cạnh mới bên cạnh việc kế thừa có chọn lọc các quan điểm của Chiến lược giai đoạn 2012 - 2020 để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong bối cảnh mới.
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả còn hạn chế

Về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2050, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, sau 8 năm triển khai, kết quả đạt được còn hạn chế. “Chủ yếu vẫn dừng lại ở công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các bộ, ngành cũng như ban hành các văn bản thể chế. Trong việc thực hiện các chỉ tiêu định lượng ở cả 3 lĩnh vực: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết quả đạt được đều rất thấp”, ông Việt Anh nói.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc thực hiện chỉ tiêu và xây dựng các bộ tiêu chí, đảm bảo nguồn lực thực hiện mục tiêu còn khá nhiều điểm chưa làm tốt.

Dự thảo Chiến lược chỉ ra, phương pháp luận chưa toàn diện dẫn đến thiếu định hướng và lộ trình khả thi trong thực hiện, giám sát và đánh giá các mục tiêu. Khung huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược chưa phát huy hết tiềm năng từ khu vực tư nhân. Thiếu các giải pháp liên ngành, liên vùng dẫn đến những nỗ lực thực hiện Chiến lược chỉ mang tính đơn lẻ, hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam có nhiều điểm mới. Trên thế giới, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đang là xu hướng chủ đạo, mở ra cơ hội kinh doanh, thị trường xanh… Đặc biệt, phục hồi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh” đang được nhiều quốc gia thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đối với Việt Nam, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Điều này đặt ra yêu cầu cập nhật, điều chỉnh Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 - 2020 phù hợp bối cảnh mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định kinh tế xanh là một trong 12 định hướng ưu tiên phát triển.

“Đây chính là thời điểm, thời cơ thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Tăng trưởng xanh trong bối cảnh mới không chỉ là giảm phát thải khí nhà kính, giảm carbon mà còn là xanh hóa từ văn hóa, từ con người… ở tất cả các phương diện trong quá trình phát triển. Khi đó, con người sống yêu thương nhau, chia sẻ, hợp tác, không làm điều xấu với nhau cũng như quan tâm đến người nghèo, người yếu thế. Trong công nghiệp, làm sao thay đổi công nghệ để giảm nguyên nhiên liệu đầu vào, năng lượng, giảm chất thải, khí nhà kính. Trong nông nghiệp phải tối đa hóa giá trị sản phẩm với việc sử dụng ít phân bón, ít thuốc trừ sâu…”.

Bên cạnh kế thừa có chọn lọc các thành tựu của Chiến lược giai đoạn 2012 - 2020, tại Dự thảo Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các khía cạnh mới thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số khía cạnh xã hội.

Đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho hay, chúng tôi đề xuất gom 3 nhiệm vụ chiến lược trong Chiến lược 2012 - 2020 thành những mục tiêu cụ thể thì mới có cơ chế thực hiện cũng như giám sát, định lượng. Lý do là, trước đây, 3 nhiệm vụ chiến lược thực chất là 3 nhiệm vụ cụ thể nhưng thiếu cơ chế thực hiện.

Về phạm vi, nếu như Chiến lược 2012 - 2020 chỉ đề cập đến xanh hóa sản xuất, thì Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 đề xuất dùng cụm từ “xanh hóa các ngành kinh tế” nhằm đảm bảo bao quát toàn diện hơn trong việc thực hiện tăng trưởng xanh.

Cơ quan xây dựng Chiến lược đề xuất hàng loạt giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích thực hiện; phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; huy động nguồn lực; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… nhằm đảm bảo thực hiện Chiến lược thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, trong bối cảnh mới, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, quyết tâm và có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về tăng trưởng xanh. Việc thực hiện Chiến lược một cách toàn diện sẽ giúp Việt Nam đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, carbon trung tính, có khả năng chống chịu và ứng phó hiệu quả với các cú sốc bên ngoài, góp phần hạn chế sự tăng nhiệt độ theo mục tiêu toàn cầu.

Chuyên đề