Các dự án BOT giao thông giai đoạn 2010 - 2014 chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Bên cạnh đó, các dự án phải đầu tư nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài và lợi nhuận không cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà tham gia vào các dự án này.
Chỉ định thầu chiếm đa số
Trong giai đoạn từ 2010 - 2014, các dự án BOT giao thông chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT. Theo đó, có 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu và đấu thầu. Đối với hình thức đấu thầu, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đăng tải danh mục dự án trên Báo Đấu thầu và Trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian 30 ngày. Quá trình này, nếu có 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký tham gia dự án sẽ tiến hành đấu thầu. Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thì thực hiện chỉ định thầu.
Thống kê cho thấy, các dự án BOT giao thông giai đoạn 2010 - 2014 chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu. Lý do là vì trong giai đoạn này, 2 đại dự án là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 4 đều được triển khai từ nguồn vốn BOT và vốn trái phiếu chính phủ (các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu). Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các dự án theo Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, 15 dự án BOT khác cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư.
Việc chỉ định nhà đầu tư dự án BOT, theo Bộ GTVT, có một số mặt tích cực như: rút ngắn thời gian đấu thầu, đáp ứng được tính chất cấp bách của dự án. Ngoài ra, tại điều khoản hợp đồng chỉ định nhà đầu tư BOT quy định rõ là thực thanh, thực chi, nên khi có điều chỉnh tăng/giảm chi phí đầu tư, chủ trương tăng/giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ không bị khiếu nại.
Khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư
Theo Bộ GTVT, trước đây, phần lớn dự án BOT đều do các tổ chức tư vấn thiết kế trong nước tham gia lập dự án. Các tổ chức này năng lực còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm về tài chính dự án, về pháp lý hợp đồng, đánh giá và phân bổ rủi ro…, nên chất lượng các dự án BOT không cao, gây khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT.
Khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT còn có nguyên nhân do khung pháp lý về PPP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 chưa quy định cụ thể về lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, mẫu hợp đồng BOT phức tạp, nhưng các thông tư hướng dẫn lại chỉ quy định những vấn đề rất chung chung; tổng mức đầu tư dự án BOT tại thời điểm đấu thầu chỉ là dự kiến. Hơn nữa, việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư theo Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ dựa trên báo cáo kiểm toán năm gần nhất đã được kiểm toán, trong khi vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cơ bản là các tài sản cố định.
Một nguyên nhân nữa là dự án BOT khi đưa ra đấu thầu rộng rãi đòi hỏi tất cả các tiêu chí liên quan đến việc điều chỉnh tăng/giảm chi phí đầu tư dự án, cũng như chủ trương tăng/giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải cố định, trong khi thực tế lại dùng giá trị tổng mức đầu tư (dự kiến) để đấu thầu. Khắc phục bất cập này, Bộ GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận lấy giá trị phê duyệt dự toán tại bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT.