Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Cụ thể, 3 ngành, nghề KDCĐK mà Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ gồm: Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; dịch vụ gia công, tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài.
Đối với 9 ngành, nghề KDCĐK được kiến nghị sửa đổi thì có ngành, nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy) được đề xuất sửa thành “hoạt động vật liệu nổ công nghiệp”. Lý do sửa đổi là để bảo đảm các hoạt động khác có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp như nghiên cứu, thử nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu hủy, giám sát ảnh hưởng nổ mìn được quản lý chặt chẽ, đáp ứng các điều kiện về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.
Đối với ngành nghề kinh doanh phân bón vô cơ, Bộ Công Thương kiến nghị gộp chung với kinh doanh phân bón hữu cơ thành ngành, nghề “kinh doanh phân bón”; kinh doanh than và kinh doanh khoáng sản được đề xuất gộp thành ngành, nghề KDCĐK là “kinh doanh khoáng sản”. Riêng đối với nghề kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương thì Bộ này đề xuất gộp chung vào ngành, nghề “kinh doanh thực phẩm có điều kiện về an toàn thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Bên cạnh đó, trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung 2 ngành, nghề vào danh mục ngành, nghề KDCĐK là: Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và nghề kiểm toán năng lượng.