Bị giảm công suất, điện mặt trời trông chờ kinh tế phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 40 nhà đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan bày tỏ lo ngại về nguy cơ phá sản nếu các nhà máy điện phải giảm công suất phát điện. Tuy nhiên, theo EVN, tình trạng này sẽ sớm chấm dứt khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục sau những ảnh hưởng bất lợi của dịch bệnh Covid-19.
Việc cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời sẽ sớm chấm dứt khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục. Ảnh: Trung Thành
Việc cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời sẽ sớm chấm dứt khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục. Ảnh: Trung Thành

Các nhà đầu tư cho biết, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đều phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70 - 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ 9,5 - 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp là rất lớn.

Do đó, trường hợp EVN đề nghị tiết giảm công suất phát điện từ 50 - 70% trong những tháng cuối năm 2021 sẽ khiến chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư điện mặt trời tại khu vực miền Trung cho biết, hiện một tuần, nhà máy điện phải cắt giảm công suất khoảng 2 - 3 ngày. Như vậy, ước tính một tháng công suất bị cắt giảm tương đương khoảng 30% tổng công suất. “Đây là con số cắt giảm rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của doanh nghiệp”, Nhà đầu tư lo lắng.

Việc cắt giảm công suất điện mặt trời không chỉ gây khó khăn với nhà đầu tư nhỏ mà ngay cả nhà đầu tư lớn cũng bị áp lực. Tập đoàn Trung Nam cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn khi không được khai thác tối đa công suất Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận).

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý III tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất như TP.HCM và các tỉnh phía Nam khiến sản lượng điện tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 20 - 30%). Trong khi đó, nguồn phát lớn hơn phụ tải nên buộc phải cắt giảm nguồn phát.

Trong khi đó, các chủ đầu tư cho biết, theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công Thương, hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các doanh nghiệp và công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của dự án điện mặt trời. Do vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu chủ đầu tư dự án điện mặt trời phát tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay (từ đầu tháng 2/2021 đến nay) là vi phạm quy định của Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật có liên quan khác. Chủ đầu tư có quyền khởi kiện công ty điện lực tại tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Xuân Hường, Trưởng ban Truyền thông thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia thông tin, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý III tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất như TP.HCM và các tỉnh phía Nam khiến sản lượng điện tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 20 - 30%). Trong khi đó, nguồn phát lớn hơn phụ tải nên buộc phải cắt giảm nguồn phát, tạo áp lực lớn đối với nhà đầu tư.

“Việc cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời cũng là bất khả kháng và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, tiêu thụ điện tăng, chắc chắn sẽ không có tình trạng nhà máy điện bị cắt giảm bớt công suất”, ông Hường bày tỏ.

EVN cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được phản ánh của nhà đầu tư điện mặt trời liên quan đến nội dung trên và tiếp tục nhấn mạnh việc giảm công suất các nhà máy điện là do tiêu thụ điện giảm mạnh trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Một số nhà đầu tư cho rằng, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu chủ đầu tư dự án điện mặt trời phát tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay là vi phạm pháp luật. Về đánh giá này, EVN cho rằng, theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công Thương, hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các DN và các công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của các dự án điện mặt trời là trong điều kiện bình thường. Song, xét trong trường hợp này, việc giảm công suất của các nhà máy điện mặt mặt trời là do nguyên nhân đặc biệt. Tiêu thụ điện giảm nên buộc phải giảm công suất để ổn định hệ thống điện.

EVN cho biết, để tăng cường thông tin công khai, minh bạch về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, kể từ ngày 27/9/2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ công bố vào cuối giờ chiều hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại hình nguồn điện vào các thời điểm: thấp điểm trưa và cao điểm chiều - tối.

Chuyên đề