Bị cáo khăng khăng BIDV vi phạm hợp đồng thế chấp

(BĐT) - Sáng 15/9, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản liên quan đến BIDV và Vietcombank. 
Cơ quan điều tra xác định, Phòng Giao dịch Quang Minh - BIDV Tây Hà Nội đã phát hành Thư bảo lãnh thanh toán và cho vay vượt giá trị tài sản bảo đảm
Cơ quan điều tra xác định, Phòng Giao dịch Quang Minh - BIDV Tây Hà Nội đã phát hành Thư bảo lãnh thanh toán và cho vay vượt giá trị tài sản bảo đảm

Hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung bị cáo buộc đã có thủ đoạn gian dối, tạo doanh số ảo, sử dụng các hợp đồng mua bán thép giả tạo đưa vào hồ sơ vay vốn, hồ sơ bảo lãnh tại ngân hàng để chiếm đoạt. 

Có hay không vi phạm hợp đồng bảo lãnh?

Tại Phiên tòa, cựu Giám đốc Công ty Lưỡng Thổ Nguyễn Thị Hồng Nhung khăng khăng, các hợp đồng mua bán là có thật, không phải hợp đồng giả tạo. Bị cáo cũng khẳng định, không vi phạm điều khoản nào trong Hợp đồng bảo lãnh với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Nguyễn Thị Hồng Nhung trình bày rằng mới chỉ quá hạn thanh toán 4 ngày thì BIDV đã yêu cầu bị cáo trả tiền.

Theo tài liệu truy tố, Công ty Lưỡng Thổ thành lập năm 2008, do Nguyễn Thị Hồng Nhung làm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Quá trình hoạt động, Công ty Lưỡng Thổ có ký hợp đồng mua bán thép với Công ty CP Thép Thái Nguyên - Chi nhánh Hà Nội vào tháng 1/2011. Theo quy định của Công ty CP Thép Thái Nguyên, nếu mua hàng theo phương thức trả chậm có bảo lãnh của ngân hàng thì Công ty Lưỡng Thổ được phép trả chậm. Với bảo lãnh ngân hàng, nếu hết hạn thanh toán mà Công ty Lưỡng Thổ không trả tiền hoặc trả không hết thì Công ty CP Thép Thái Nguyên có quyền yêu cầu ngân hàng bảo lãnh thanh toán.

Để thực hiện hợp đồng này, Nguyễn Thị Hồng Nhung đã ký Giấy đề nghị Phòng Giao dịch Quang Minh - BIDV Tây Hà Nội cấp Thư bảo lãnh với số tiền 75 tỷ đồng. Thư bảo lãnh là bảo lãnh trả ngay, vô điều kiện, không hủy ngang khi bên thụ hưởng bảo lãnh có yêu cầu.

Tài sản bảo đảm là 2 số tiền gửi kỳ hạn 3 tháng trị giá 30 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tương đương 67% giá trị khoản vay. Về sau, Nhung có đơn đề nghị thay đổi, bổ sung tài sản bảo đảm là 2 quyền sử dụng đất trị giá hơn 34 tỷ đồng.

Sau này, Công ty Lưỡng Thổ không thanh toán tiền mua hàng cho Công ty CP Thép Thái Nguyên dẫn đến công ty này đã yêu cầu BIDV thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi BIDV yêu cầu Công ty Lưỡng Thổ thanh toán khoản bảo lãnh thì Nguyễn Thị Hồng Nhung đưa ra 3 chứng từ gồm 3 hợp đồng khách hàng còn nợ tiền thép để xin BIDV gia hạn bảo lãnh.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, các công ty mà Nhung cho biết là còn nợ tiền thép có công ty mới thành lập, chưa có hoạt động gì, có công ty không bán được thép và đã trả lại hàng. Được biết, BIDV đã giải chấp tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm của Công ty Lưỡng Thổ với số tiền hơn 17 tỷ đồng để thanh toán cho Công ty CP Thép Thái Nguyên. 

Cáo buộc BIDV vi phạm hợp đồng thế chấp

Cơ quan điều tra xác định, Phòng Giao dịch Quang Minh - BIDV Tây Hà Nội đã nhận định, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp không chính xác, phát hành Thư bảo lãnh thanh toán và cho vay vượt giá trị tài sản bảo đảm, vi phạm Quy chế 3979 của Tổng giám đốc BIDV về giao dịch bảo đảm trong cho vay, bảo lãnh. Quá trình cho vay, một số cán bộ BIDV có hành vi sai phạm như tự ý duyệt cho thay thế tài sản bảo đảm trái quy định, không kiểm soát được hoạt động kinh doanh, tài chính của Công ty Lưỡng Thổ trước, trong và sau khi được bảo lãnh, đã gia hạn bảo lãnh 2 lần mà không bổ sung tài sản bảo đảm theo đúng quy định, yêu cầu.

Đáng chú ý, báo cáo hoạt động của Công ty Lưỡng Thổ thể hiện doanh nghiệp này có doanh thu bán thép là 158 tỷ đồng và từ tháng 1 - tháng 4/2011, thời điểm xảy ra vụ việc, Công ty Lưỡng Thổ đã rút tiền từ tài khoản tại BIDV - Tây Hà Nội 152 tỷ đồng để sử dụng không rõ mục đích.

Theo trình bày của Nguyễn Thị Hồng Nhung tại phiên tòa thì bị cáo không hề đề nghị gia hạn bảo lãnh. Quá trình ký kết, Nhung chỉ báo với ngân hàng số tiền cần bảo lãnh và tài sản bảo đảm, còn lại là ngân hàng làm. Bị cáo cũng sẵn sàng nhận nợ bắt buộc sau khi ngân hàng thanh toán theo bảo lãnh cho Công ty CP Thép Thái Nguyên.

Theo lời khai của Nhung, Công ty Lưỡng Thổ mua thép của Công ty CP Thép Thái Nguyên, rồi bán cho công ty khác. Nhưng tiền thu được khi bán hàng thì ngân hàng không yêu cầu bắt buộc phải chuyển vào tài khoản mở tại BIDV. Sử dụng tài khoản ngân hàng nào tùy doanh nghiệp.

Về giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn nhiều so với khoản bảo lãnh, Nhung khẳng định: “Không có tác động gì tới ngân hàng để được giảm giá trị tài sản bảo đảm”.

Đối với việc BIDV giải chấp tài sản bảo đảm để trả cho Công ty CP Thép Thái Nguyên hơn 17 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, BIDV đã vi phạm hợp đồng thế chấp, đó là tài sản riêng của bị cáo, Ngân hàng không thể tự động lấy tài sản bảo đảm để trả thay cho Công ty Lưỡng Thổ.      

Chuyên đề