“Bắt bệnh” tiêu cực trong chống buôn lậu

(BĐT) - Câu chuyện “50% vụ buôn lậu có bóng dáng hải quan” do Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM tiết lộ mới đây và phản ứng không mấy vui vẻ từ lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã cho thấy việc “bắt bệnh” tiêu cực trong chống buôn lậu vẫn đang vướng.
Tình hình buôn bán hàng nhập lậu ở TP.HCM được cho là vẫn tiếp tục phức tạp. Ảnh: Minh Long
Tình hình buôn bán hàng nhập lậu ở TP.HCM được cho là vẫn tiếp tục phức tạp. Ảnh: Minh Long

Buôn lậu vẫn nhức nhối

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM phản pháo rằng, “sự móc nối giữa đối tượng buôn lậu với các cơ quan quản lý không phải chỉ có cán bộ hải quan, mà có cả công an, quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Tình hình buôn bán hàng nhập lậu ở TP.HCM được cho là vẫn tiếp tục phức tạp. Báo cáo gần đây của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM nêu rõ, riêng năm 2015 đã kiểm tra 1.853 doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả là đã tạm giữ đến 2.129 danh mục mặt hàng lậu với gần 2 triệu đơn vị sản phẩm…

Trong số các nguồn hàng nhập lậu, theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, có nguồn hàng nhập theo đường hàng không vào Thành phố, nguồn hàng xách tay, hàng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch gian lận khai báo hải quan về chủng loại, số lượng.

Còn theo số liệu Cục Hải quan TP.HCM, năm vừa qua đã bắt giữ và lập biên bản 2.287 vụ vi phạm, với trị giá trên 221 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số vụ hàng lậu mà lực lượng QLTT, hải quan ở Thành phố kiểm tra, xử lý được đánh giá mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Một câu hỏi đặt ra là ngoài số liệu báo cáo tình hình kiểm tra hàng lậu trong năm vừa qua thì trách nhiệm giám sát, quản lý, hậu kiểm của lực lượng hải quan, an ninh, cảnh sát kinh tế và QLTT ở đâu trước tình trạng này? Không thể nói lực lượng kiểm tra là mỏng mà thực tế là khá dày, công cụ kiểm tra, soi chiếu cũng không thiếu, nhưng tại sao hàng nhập lậu vẫn như “con voi chui lọt lỗ kim”?               

Lỗi tại ai?

Cũng cần lưu ý, trong một hội nghị về chống buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra cuối năm ngoái ở TP.HCM, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đặc biệt lưu ý tình hình chưa tạo chuyển biến căn bản có gắn với tệ nạn tham nhũng, thủ đoạn tinh vi. Đây là nguyên nhân làm thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập.

Trong chuyện này, trước tiên phải đề cập trách nhiệm “gác cửa” của lực lượng hải quan.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ buôn lậu có sự tiếp tay của nhân viên hải quan và một số cơ quan bảo vệ pháp luật. Hoạt động buôn lậu diễn ra rất phức tạp nhưng cơ quan hải quan chưa phát hiện được các đường dây, ổ, nhóm tội phạm buôn lậu lớn.

 Những vụ việc được cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện gần đây tuy chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, nhưng  đã làm dư luận hồ nghi về “độ phủ” hay “bóng dáng” hải quan trong các vụ buôn lậu ở TP.HCM hiện nay đang ở mức độ nào?

Bên cạnh vấn đề tiêu cực, theo chia sẻ của một cán bộ làm việc lâu năm trong lực lượng chống buôn lậu thuộc ngành hải quan, hoạt động phối hợp giữa cơ quan hải quan với cơ quan công an và các cơ quan bộ, ngành chưa đồng bộ. Sự thiếu phối hợp cộng với sơ hở trong quản lý có thể dẫn đến việc để cho bọn tội phạm lợi dụng thành lập doanh nghiệp chỉ để buôn lậu, nhập hàng cấm hoặc tìm cách chiếm đoạt tiền thuế xuất nhập khẩu với số lượng lớn.      

Chuyên đề