Bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ chỉ cần “nhấp chuột”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến trong quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ triển khai phân hệ bảo lãnh điện tử, trước mắt với bảo lãnh dự thầu. Việc số hóa bảo lãnh dự thầu tiếp tục là bước chuyển mạnh mẽ trong công tác đấu thầu qua mạng, tạo thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu.
Việc áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử giúp các ngân hàng giảm thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ, giảm lưu trữ tài liệu giấy. Ảnh: Tiên Giang
Việc áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử giúp các ngân hàng giảm thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ, giảm lưu trữ tài liệu giấy. Ảnh: Tiên Giang

Trượt thầu vì lỗi không đáng có tại bảo lãnh dự thầu

Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu từ thực tiễn đấu thầu thời gian qua, rất nhiều nhà thầu trượt thầu chỉ vì sai sót trong bảo lãnh dự thầu. Những sai sót có thể kể đến bảo lãnh dự thầu có giá trị thấp hơn yêu cầu trong thông báo mời thầu, đôi khi chỉ vài trăm đồng; thời gian có hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT); sai tên gói thầu, tên đơn vị thụ hưởng; không có chữ ký hợp lệ; có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu...

Nguyên nhân có rất nhiều. Có nhà thầu chia sẻ, do tự tính toán thời gian hiệu lực của bảo lãnh dự thầu dẫn đến sai sót; rồi trước khi phát hành bản chính thức, bản dự thảo được gửi qua lại giữa nhà thầu và ngân hàng, qua nhiều tầng kiểm tra nhưng chỉ cần 1 khâu sai sót, nhầm lẫn là có thể dẫn tới bảo lãnh dự thầu không hợp lệ. Một số ngân hàng sử dụng mẫu có sẵn, khi nhà thầu nhận được thư bảo lãnh từ ngân hàng chỉ kiểm tra về tên đơn vị thụ hưởng, thời gian có hiệu lực của bảo lãnh, giá trị bảo lãnh theo yêu cầu của HSMT mà không kiểm tra cụ thể từng điều khoản có đáp ứng yêu cầu của mẫu bảo lãnh kèm theo HSMT hay không…

Bên cạnh đó, có nhà thầu chia sẻ, đã mất cơ hội vì không kịp nộp bảo lãnh dự thầu do chờ thẩm định, phê duyệt của ngân hàng, người có thẩm quyền ký thư bảo lãnh đi công tác...

Việc xảy ra lỗi không đáng có trong bảo lãnh dự thầu cũng không loại trừ nguyên nhân cố ý làm giả hoặc mắc lỗi sơ đẳng để trượt thầu. Báo Đấu thầu đã phản ánh khá nhiều trường hợp làm giả bảo lãnh dự thầu, có thể kể đến vụ việc Công an TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) tạm giữ hình sự 2 đối tượng liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó có tài liệu trong hồ sơ dự thầu (HSDT) như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, cam kết tín dụng của các ngân hàng… Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng máy tính để làm giả con dấu, chữ ký của một số ngân hàng trong các tài liệu trên. Năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình, TP. Hà Nội cũng đã tiếp nhận, điều tra, xác minh đơn của PVcomBank tố giác Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thương mại Thành An có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…

Từ góc độ của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhiều trường hợp gặp khó khăn khi xác minh tính chính xác của bảo lãnh dự thầu, hoặc gặp khó khi nhà thầu cố ý không nộp bản gốc thư bảo lãnh dự thầu. Hiện nay khi đấu thầu qua mạng, nhà thầu scan thư bảo lãnh của ngân hàng và đính kèm khi nộp HSDT, do đó thư bảo lãnh gốc vẫn do nhà thầu lưu giữ và có trách nhiệm nộp bản gốc này cho bên mời thầu khi nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng. Theo đại diện một số ban quản lý dự án, nhiều trường hợp cần xác minh, bên mời thầu phải gửi văn bản tới ngân hàng mất thủ tục, thời gian. Trong trường hợp nhà thầu vi phạm bỏ cuộc giữa chừng sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của HSDT; vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định; hoặc không tiến hành thương thảo, không ký kết hợp đồng, không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định…, bên mời thầu gặp khó khăn trong việc tịch thu bảo lãnh dự thầu.

Bảo lãnh điện tử tạo thuận lợi hơn cho người dùng

Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đấu thầu, tạo thuận lợi cho người dùng, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, dự kiến từ quý IV hoặc đầu năm sau, Hệ thống e-GP sẽ triển khai phân hệ bảo lãnh điện tử, trước mắt áp dụng với bảo lãnh dự thầu điện tử. Trong thời gian đầu, bảo lãnh dự thầu điện tử thực hiện song song với bảo lãnh giấy, tùy theo lựa chọn của nhà thầu.

Việc áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ giúp nhà thầu tránh sai sót khi nhập liệu do Hệ thống trích xuất thông tin tự động từ HSMT, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian do thực hiện trên môi trường điện tử.

Theo đó, phân hệ bảo lãnh điện tử cho phép nhà thầu tạo yêu cầu phát hành/sửa đổi bảo lãnh dự thầu điện tử trên Hệ thống e-GP sau khi nhập số thông báo mời thầu.

Nhà thầu sẽ sử dụng mẫu bảo lãnh dự thầu của Hệ thống, hoàn thiện hồ sơ gửi cho ngân hàng và ngân hàng không sửa đổi mẫu này. Trường hợp liên danh thì các thành viên liên danh chỉ sử dụng 1 loại bảo lãnh cùng là giấy hoặc cùng là bảo lãnh điện tử.

Thông tin bảo lãnh dự thầu điện tử được truyền từ ngân hàng sang Hệ thống e-GP ngay sau khi ngân hàng đồng ý phát hành bảo lãnh và được quản lý tập trung trên Hệ thống. Nhà thầu, ngân hàng không cần lưu trữ bản giấy, việc xác minh bảo lãnh nhanh chóng hơn thông qua chữ ký điện tử.

Theo một cán bộ của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, việc áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ đem lại lợi ích cho cả nhà thầu, bên mời thầu và ngân hàng.

Với nhà thầu, sẽ tránh tình trạng sai sót khi nhập liệu do Hệ thống trích xuất thông tin tự động từ HSMT, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian do thực hiện trên môi trường điện tử. Thông tin của nhà thầu được bảo mật khi sử dụng bảo lãnh điện tử.

Về phía bên mời thầu, việc sử dụng bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ hỗ trợ cho hoạt động đánh giá tự động, giảm thiểu thời gian xác minh, đánh giá tính hợp lệ của bảo lãnh dự thầu. Khi phát sinh trường hợp tịch thu bảo lãnh dự thầu cũng thuận lợi cho bên mời thầu, cải thiện tình trạng hiện nay một số nhà thầu không nộp bản gốc...

Với ngân hàng, việc thông tin đã được chuẩn xác giúp giảm thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ, giảm lưu trữ tài liệu giấy.

Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, các bảo lãnh khác như bảo lãnh thực hiện hợp đồng… sẽ được số hóa theo lộ trình trong tương lai. Cùng với đó, Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện một số tiện ích khác của Hệ thống để đưa vào vận hành trong thời gian tới như hợp đồng điện tử, kết nối lấy dữ liệu tài chính nhà thầu từ cơ quan thuế, kết nối dữ liệu với Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc…

Chuyên đề