Bảo đảm gỗ hợp pháp theo VPA-FLEGT: “Bóng” trong chân các chủ thể mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề đặt ra nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT).
Việc sử dụng gỗ hợp pháp trong mua sắm công thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT. Ảnh: Thanh Tuyền
Việc sử dụng gỗ hợp pháp trong mua sắm công thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT. Ảnh: Thanh Tuyền

Rủi ro lớn từ sử dụng gỗ không hợp pháp

Nhắc lại kết quả rà soát 100 gói thầu mua sắm sản phẩm đồ gỗ nội thất do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thực hiện qua mạng trong giai đoạn 2016 - 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, có tới 77% số hồ sơ mời thầu (HSMT) không có yêu cầu về gỗ hợp pháp, nhiều HSMT đặt hàng gỗ quý (11%).

“Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát các nhà thầu cung ứng gỗ cho các gói thầu mua sắm công, có tới 74% số nhà thầu cho biết từng dùng gỗ quý nhập khẩu cung cấp cho các hợp đồng đấu thầu”, bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang cho rằng, thực tế cho thấy cần thiết phải có quy định về đấu thầu gỗ hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam thực hiện VPA-FLEGT. Lý do là, rủi ro trong việc mua sắm phải những sản phẩm gỗ bất hợp pháp hiện nay là rất lớn. Trong khi đó, VPA-FLEGT, có hiệu lực từ 1/6/2019, yêu cầu thực hiện chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và quản trị rừng bền vững. Việt Nam cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu tại Việt Nam đều phải bảo đảm tính hợp pháp. Yêu cầu “gỗ hợp pháp” trong đấu thầu cũng đã được các nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển đặt ra từ lâu vì mang lại nhiều lợi ích.

“Hoa Kỳ vừa khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ của Việt Nam liên quan đến gỗ xuất khẩu sang nước này. Đây là động thái cho thấy gỗ hợp pháp đang là vấn đề đối tác cực kỳ quan tâm. Việc thực hiện gỗ hợp pháp chính là câu trả lời xứng đáng để Việt Nam phấn đấu ngang bằng với các nước phát triển”, bà Trang nhấn mạnh.

Ông Tô Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends chỉ ra, thói quen sử dụng gỗ không hợp pháp có thể dẫn tới rủi ro lớn. Do đó, việc sử dụng gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công chính là hành động thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định.

“Việc sử dụng gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm thực thi VPA/FLEGT có thể được xem là “cú rút dây” đối với “rừng” chủ thể mua sắm ở Việt Nam”, bà Trang nhìn nhận.

Tránh rủi ro bằng cách nào?

Trả lời câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm thực hiện yêu cầu “gỗ hợp pháp” trong đấu thầu, một số chuyên gia cho rằng, là người cung cấp các sản phẩm gỗ, nhà thầu có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm gỗ mà họ cung cấp theo hợp đồng là gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nhà thầu chỉ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, chính xác các yêu cầu của bên mời thầu và những cam kết của mình trong hợp đồng. Nếu bên mời thầu không yêu cầu thì nhà thầu không cần có trách nhiệm thực hiện. Do đó, để bảo đảm nhà thầu cung cấp các sản phẩm gỗ thỏa mãn yêu cầu “gỗ hợp pháp”, trách nhiệm thuộc về bên mời thầu trong việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến “gỗ hợp pháp” trong từng giai đoạn của quá trình đấu thầu.

Một chuyên gia về gỗ cảnh báo, nếu bên mời thầu yêu cầu loại gỗ rủi ro cao sẽ tự đặt mình và nhà thầu trước nguy cơ vi phạm nghĩa vụ bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu.

Vậy các bên mời thầu phải làm gì để hạn chế tối đa mua sắm sản phẩm gỗ có rủi ro cao? Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, bên mua sắm phải đưa ra các yêu cầu về chủng loại gỗ nguyên liệu, nguồn gốc gỗ.

Chẳng hạn, theo pháp luật lâm nghiệp, một số loại gỗ đã bị cấm khai thác từ lâu thuộc diện gỗ quý hiếm hạn chế khai thác (gỗ nhóm I, II). Theo đó, nếu bên mua đề xuất loại gỗ này thì khả năng cao là gỗ vi phạm quy định cấm khai thác, hạn chế khai thác. Về nguồn gốc gỗ, trên thế giới, một số nước/khu vực có tình trạng pháp luật hoặc thực thi pháp luật về quản trị rừng lỏng lẻo, dẫn tới một lượng lớn các loại gỗ khai thác có thể là trái phép (gỗ thuộc diện cấm khai thác/cấm xuất khẩu), đặc biệt là gỗ nhiệt đới.

Bên mời thầu nên đặt hàng sản phẩm gỗ theo tiêu chí kỹ thuật (về sức chịu lực, độ đàn hồi, độ chịu nước…) thay vì đặt hàng theo tiêu chí về chủng loại, xuất xứ gỗ; tránh mua gỗ không nằm trong Danh sách loại gỗ đã từng nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố từng thời kỳ…

Đặc biệt, để tránh rủi ro mua sắm gỗ bất hợp pháp, bên mua nên ưu tiên mua sắm sản phẩm từ gỗ rừng trồng trong nước do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Đây là gỗ ít rủi ro, nguồn cung phong phú và có thể đáp ứng phần lớn các yêu cầu kỹ thuật khác nhau của nhiều loại sản phẩm gỗ trong các gói thầu. Hơn nữa, việc sử dụng gỗ rừng trồng trong nước thúc đẩy hoạt động trồng rừng, phát triển bền vững, mang lại sinh kế cho người dân.

Chuyên đề