Bản tin thời sự sáng 7/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1; Chính phủ đồng ý lập thẩm định dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc; Thủ tướng phê duyệt hơn 5.000 tỷ đồng xây cầu Rạch Miễu 2; phân lô bán nền cả đất quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM…

Đề xuất công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1

UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ công nhận kết quả đánh giá thành phố Thủ Đức là đô thị loại I để làm cơ sở lập đề án lập thành phố này.

TP. Thủ Đức sau thành lập có diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người
TP. Thủ Đức sau thành lập có diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người

Nội dung này được chính quyền TP.HCM đề cập trong tờ trình vừa gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ, sau khi hoàn thành việc rà soát, đánh giá khu vực dự kiến lập TP. Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I.

Theo UBND Thành phố, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Quận: 2, 9 và Thủ Đức với diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Đây sẽ là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy phát triển của Thành phố và vùng Đông Nam Bộ. Dự kiến khu vực này sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Khu vực dự kiến thành lập TP. Thủ Đức cũng có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu; là đấu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, khu vực dự kiến lập TP. Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại I.

Theo UBND Thành phố, sau khi đề án thành lập TP. Thủ Đức được cơ quan thẩm quyền thông qua và TP.HCM có đầy đủ căn cứ pháp lý về quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, UBND TP.HCM sẽ lập đề án đánh giá phân loại đô thị theo quy định.

Chính phủ đồng ý lập thẩm định dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc

Sau khi thành phố Hà Nội có tờ trình, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt đô thị (metro) tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc.

Hình ảnh đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội

Hình ảnh đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội

Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Ủy viên của Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các Bộ và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc có chiều dài hơn 37 km, được bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm hai ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua đường vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của dải phân cách Đại lộ Thăng Long. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Tuyến metro số 5 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, toàn tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao). Dự kiến, tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần.

Thủ tướng phê duyệt hơn 5.000 tỷ đồng xây cầu Rạch Miễu 2

Cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền (nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre) với tổng mức đầu tư dự án trên 5.000 tỷ đồng, có thời gian dự kiến thi công từ năm 2021 - 2025.

Mô hình cầu Rạch Miễu 2

Mô hình cầu Rạch Miễu 2

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5 km, điểm đầu giao cắt giữa quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang). Điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông (Bến Tre).

Phần cầu lớn sẽ vượt luồng chính sông Tiền, bề rộng cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng. Còn cầu vượt sông Mỹ Tho dự kiến nhịp chính sẽ bằng kết cấu dầm liên tục.

Ngoài ra, phần đường dẫn bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Mặt cắt ngang đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, xây dựng các nút giao trên tuyến.

Cầu Rạch Miễu 2 được thực hiện bằng hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án trên 5.000 tỷ đồng, với nguồn vốn từ ngân sách trung ương.

Hồ chứa nước Tuyền Lâm đang xả lũ thì xuất hiện vệt thấm bất thường

Hồ chứa nước Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng xuất hiện hiện tượng thấm thân đập lớn hơn mức cho phép. Tình trạng đập bị thấm khi hồ tích đầy nước gây nguy hiểm cho công trình và hạ du.

Một góc thân đập hồ Tuyền Lâm

Một góc thân đập hồ Tuyền Lâm

Ngày 6/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có báo cáo cho biết như trên. Theo đó, hiện nay hồ chứa nước Tuyền Lâm đang trong thời gian xả lũ, trên mái hạ lưu đập Tuyền Lâm xuất hiện các vệt thấm bất thường từ cơ mái hạ lưu xuống chân đập, các vệt thấm xuất hiện dọc theo chiều dài thân đập. Nước thấm ra làm ẩm ướt mái hạ lưu, lượng nước thấm theo nhận định bằng cảm quan lớn hơn mức cho phép.

Sở NN&PTNT cho rằng, tình trạng đập bị thấm khi hồ tích đầy nước gây nguy hiểm cho công trình và vùng hạ du.

Mặt đập bị lún sụt, rạn nứt, đặc biệt tại vị trí góc cua tiếp giáp với thân tràn chính. Cầu tràn xuống cấp không đảm bảo tải trọng cho các xe có tải trọng lớn lưu thông: Cầu tràn hồ Tuyền Lâm tại thời điểm nâng cấp sửa chữa tính toán với tải trọng xe không lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, do khu vực hồ Tuyền Lâm đang trong quá trình xây dựng các dự án du lịch nên xe chở vật liệu có tải trọng lớn thường xuyên chạy qua và lượng xe khách về tham quan đi qua cầu tràn nhiều nên cầu tràn có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, có thể gây nguy cơ sập đổ ảnh hưởng tới an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đề xuất biện pháp khắc phục, gồm xử lý chống thấm đập đất; nâng cấp cầu qua tràn; tuyến đường qua đỉnh đập để vào khu du lịch không phải là đường duy nhất, do đó cần thiết phải xây dựng hai vị trí barrier tại 2 đầu đập để hạn chế xe có tải trọng lớn chạy, qua đặc biệt là các xe tải chở vật liệu.

Khánh Hòa: Sân bay Cam Ranh ngừng phát loa

Sân bay Cam Ranh dừng phát thanh thông tin chuyến bay quốc nội để giảm tiếng ồn từ 16/11.

Hành khách ra máy bay tại sân bay Cam Ranh

Hành khách ra máy bay tại sân bay Cam Ranh

Sáng 6/11, đại diện sân bay Cam Ranh cho biết, thông tin về chuyến bay sẽ được cập nhật trên màn hình điện tử đặt trong nhà ga bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Màn hình sẽ hiển thị các chuyến bay đang làm thủ tục, trạng thái như chậm giờ, hủy chuyến. Bảng điện tử sẽ được bố trí tại vị trí hành khách dễ quan sát.

Đại diện sân bay khuyến nghị hành khách theo dõi màn hình để cập nhật thông tin về chuyến bay của mình, có mặt tại cửa khởi hành theo giờ quy định.

Cam Ranh là cảng hàng không thứ tư, sau sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, dừng phát thanh để giảm tiếng ồn. Đây là xu hướng đang được áp dụng tại nhiều sân bay quốc tế nhằm mang lại cho hành khách sự thoải mái, không bị làm phiền bởi loa phát thanh liên tục.

TP.HCM: Phân lô bán nền cả đất quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM

Đất thuộc quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM của các hộ dân đã được giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng vẫn bị đem ra phân lô và mua bán.

Đất quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM cũng bị đem rao bán

Đất quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM cũng bị đem rao bán

UBND phường Đông Hòa (TP. Dĩ An, Bình Dương) cho biết, đã có thông báo về việc cảnh giác với hành vi mua bán sang nhượng nhà trên đất quy hoạch xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo UBND phường Đông Hòa, tại một số vị trí đất chưa thu hồi đã xảy ra tình trạng mua bán, sang nhượng đất, tài sản trên đất và xây dựng nhà ở trái phép. UBND Phường đã phối với hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM lập biên bản kiểm tra các công trình xây dựng trái phép và xử lý theo quy định đối với các công trình xây dựng. Đất thuộc quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM của các hộ dân đã được giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên các hành vi mua bán, sang nhượng đất, tài sản trên đất là vi phạm pháp luật.

UBND phường Đông Hòa khuyến cáo người dân, trước khi giao dịch, mua bán bất động sản cần đến cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra pháp lý để tránh thiệt hại về tiền và tài sản.

Trước đó, đã có hai doanh nghiệp bất động sản đem đất của Đại học Quốc gia TP.HCM ra vẽ dự án khu dân cư rồi phân lô, bán nền. Cụ thể, hai doanh nghiệp bất động sản bị cho là đem đất dự án Đại học Quốc gia TP.HCM ra bán là Công ty CP Đầu tư Angle Lina (phường Đa Kao, Quận 1) và Công ty Bất động sản Hoàng Ân Group (phường Linh Trung, quận Thủ Đức).

Theo đó, khu đất trống thuộc địa bàn tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức là đất thuộc Dự án Đại học Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, Angle Lina và Hoàng Ân Group đã tự vẽ ra dự án là khu dân cư và đem bán cho người dân.

Ông Lê Vinh Danh về khoa Tài chính - Ngân hàng

Ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, được phân công về khoa Tài chính - Ngân hàng.

Ông Lê Vinh Danh là Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng từ tháng 7/2007 đến tháng 10/2020

Ông Lê Vinh Danh là Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng từ tháng 7/2007 đến tháng 10/2020

Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa ra quyết định phân công ông Lê Vinh Danh về khoa Tài chính - Ngân hàng. Công việc cụ thể của ông Danh sẽ do Trưởng khoa phân công.

Quyết định này được đưa ra theo đề xuất của Phòng Tổ chức hành chính và nguyện vọng của cựu Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng.

Ông Lê Vinh Danh, công tác tại Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 1999. Tháng 7/2007, ông lên làm hiệu trưởng.

Ngày 31/7, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Lê Vinh Danh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, do có một số sai phạm trong công việc.

Ngày 21/8, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh trong 90 ngày nhằm xem xét xử lý khuyết điểm, vi phạm của ông này theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM.

Ngày 23/10, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cựu Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng có nhiều vi phạm công tác Đảng và công tác quản lý tài chính, hành chính.

Chuyên đề