Bản lĩnh nhà thầu Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 ấn tượng với cộng đồng nhà thầu Việt Nam là nặng gánh nhiều nỗi lo toan, vất vả. Nhưng trong nghịch cảnh, bản lĩnh đã giúp họ trụ vững, vượt qua, trở nên kiên cường, chuyên nghiệp hơn. Năm 2021 đã trở thành tiền đề mạnh mẽ cho năm 2022 với nhiều khát vọng và hành trình chinh phục mới.
Nhà thầu Việt vững tin tiến bước với hành trang là khát vọng, năng lực và bản lĩnh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Nhà thầu Việt vững tin tiến bước với hành trang là khát vọng, năng lực và bản lĩnh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Chị TT, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh, giặt ủi cho hệ thống bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết, công ty đang cung cấp dịch vụ cho 4 bệnh viện trên địa bàn. Do dịch bùng phát, 4 bệnh viện này có nhiệm vụ điều phối thêm 4 bệnh viện dã chiến. Từ lúc đó, toàn bộ gần 100 nhân viên cùng với Ban giám đốc Công ty phải chạy 200% công suất, phải gánh thêm các công việc phát sinh ngoài hợp đồng và nguy cơ lây nhiễm cao hơn bao giờ hết.

“Thực lòng mà nói, nếu không vì cộng đồng, vì mối quan hệ mật thiết với ngành y - đội ngũ tuyến đầu chống dịch, chúng tôi đã không thể gồng gánh khối lượng công việc ngoài hợp đồng khổng lồ với nguy cơ dính bệnh luôn rình rập 24/24 trong 5 tháng vừa qua”, chị TT nói.

Đại diện nhà thầu cho biết, nếu chia đều ra, mỗi ngày 25 nhân viên của Công ty sẽ phụ trách cung ứng dịch vụ liên tục cho 1 bệnh viện. Nhưng thời điểm được điều động phục vụ thêm 4 bệnh viện dã chiến, những nhân viên đó sẽ phải đảm nhận 2 bệnh viện, cách xa nhau mấy chục km. “Điều đáng nói, nhiều anh chị em liên tục dính F0, thành ra F1, F2 không có khái niệm được nghỉ ngơi. Nhiều khi nhìn cảnh anh chị em bám trụ xuyên đêm, thậm chí gục ngã, xin nghỉ việc vì áp lực 5 tháng chống dịch thực sự nhiều lần rơi nước mắt”, chị cho biết.

Và chỉ có những nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ bệnh viện trong suốt thời gian dịch mới thấm được nỗi khổ vì cạn tiền của mình. “Hệ thống bệnh viện luôn quá tải với nhiệm vụ tối thượng là cứu người, chữa bệnh. Đội ngũ y bác sỹ đã chiến đấu kiên cường, thậm chí có cả hy sinh. Nên dù trong suốt những tháng ngày căng thẳng đó, áp lực cung ứng dịch vụ rất lớn nhưng toàn bộ kinh phí thì bệnh viện đều than thở “chưa có, chưa về”. “Chuyện nhà thầu phải mang sổ đỏ đi cắm ngân hàng để lo đời sống cho anh em công nhân vì bị nợ hợp đồng không hiếm. Nhưng lúc đó, duy trì bộ máy để dịch vụ trong bệnh viện là trên hết, trước hết nên chúng tôi đã vượt qua. Đây cũng là cơ hội trui rèn để nâng cao tính chuyên nghiệp, luôn chủ động trong tình huống xấu nhất và hoàn thiện chất lượng dịch vụ cho nhà thầu”, một nhà thầu cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện cho hay.

Những ngày đằng đẵng giãn cách vì dịch của khu vực phía Nam đã khiến công tác thi công các công trình ngành điện “thấm đòn” hơn bao giờ hết. “Lòng như lửa đốt” là tâm trạng của cán bộ nhân viên các ban quản lý dự án thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), khi khó khăn đang chồng chất, nhiều dự án hoàn toàn phải “án binh bất động”.

Ông Đào Hòa Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện lực miền Nam thuộc EVNSPC chia sẻ, thời gian qua, công tác quản lý, điều hành, thi công các công trình lưới điện đối với EVNSPC gặp những khó khăn chưa có tiền lệ. Đặc biệt, công tác bàn giao mặt bằng bị tê liệt trên diện rộng bởi tất cả các địa phương phải tập trung chống dịch.

Ngành điện là lĩnh vực sử dụng số lượng lớn lao động tay nghề cao, kỹ thuật sâu để thực hiện công tác lắp dựng cột, kéo dây, lắp đặt thiết bị nhất thứ, nhị thứ, thí nghiệm hiệu chỉnh, thử nghiệm, vận hành… và hoàn toàn không thể thuê lao động tự do, người lao động tại địa phương mà phải là nhân công cơ hữu lành nghề. Tại hàng loạt dự án trọng điểm của ngành ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu hay đường dây 110kV Năm Căn - Khai Long (tỉnh Cà Mau)…, người lao động đều phải sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ trong thời gian dài.

Các dự án ngành điện cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực của cơn bão giá vật liệu. Vật liệu xây dựng, sắt thép, kim loại màu, vật tư điện tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, cung ứng gián đoạn cục bộ đã gây nên nhiều gánh nặng.

Tuy nhiên, EVNSPC khẳng định, lực cản lớn nhất của các dự án điện chính là chậm bàn giao mặt bằng. Bởi với sự chuyên nghiệp, nỗ lực thi công trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, đội ngũ nhà thầu ngành điện hoàn toàn có thể làm chủ được tiến độ với chất lượng đảm bảo nhất.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung Nam Group cho biết, phạm vi triển khai dự án của Tập đoàn trải dài từ miền Trung lên Tây Nguyên và xuống tận Tây Nam Bộ. “Dịch kéo dài 2 năm gây ảnh hưởng trực diện đến từng dự án. Nhưng với những người lao động của Trung Nam, dù dự án triển khai ở đâu, tiến độ và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch đặt ra, bằng mọi nỗ lực phải hoàn thành, thậm chí là hoàn thành sớm”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group chia sẻ. Ông Tiến cho biết, 4 tháng là toàn bộ thời gian để Trung Nam Group hoàn thành tổ hợp Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW. 102 ngày với việc huy động hàng chục thầu phụ, 800 con người từ cán bộ, kỹ sư công nhân thi công xuyên ngày đêm trên diện tích 557 ha để đưa dự án về đích vượt tiến độ.

Bước sang 2021, nhà đầu tư này tiếp tục triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo với mục tiêu hòa lưới hơn 3.000MW tại Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận…

Theo Công ty CP Xây dựng Coteccons, chỉ trong quý IV/2021, nhà thầu này đã trúng một loạt gói thầu EPC có giá trị gần 10.000 tỷ đồng. Tính tổng cả năm 2021, Coteccons đạt giá trị tổng thầu 25.000 tỷ đồng. Trong năm 2021 đầy thách thức, Coteccons có thể xem là nhà thầu điển hình của lĩnh vực xây dựng dân dụng bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nhưng đây cũng là năm có những dấu ấn, tạo tiền đề vững chắc để Coteccons khẳng định vị thế. Nhà thầu xây lắp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận tổng thầu các dự án quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng với tính chất phức tạp, đủ sức cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới.

Chuyên đề