Băn khoăn quy định về pháp nhân thương mại

(BĐT) - Cho ý kiến tại Hội trường về việc bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 liên quan đến pháp nhân thương mại (PNTM) phạm tội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc đưa những quy định này vào BLHS. 
Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc hình phạt đình chỉ pháp nhân thương mại. Ảnh: Trần Kiên
Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc hình phạt đình chỉ pháp nhân thương mại. Ảnh: Trần Kiên

Các quy định được đưa ra với mục tiêu không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không vì thế mà để những hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội quy định trong Bộ luật.

Bổ sung nhiều quy định

Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đặt vấn đề bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, đồng phạm, phạm tội có tổ chức, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm áp dụng đối với PNTM phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015.

Cùng với đó, bổ sung vào Điều 86 của BLHS nội dung quy định về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp PNTM phạm nhiều tội, trong đó có hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cũng như trường hợp các hình phạt đã tuyên đều là đình chỉ hoạt động có thời hạn về cùng một lĩnh vực để bảo đảm bao quát các trường hợp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng quy định này trên thực tế.

Đồng thời, bổ sung vào Điều 89 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về xóa án tích cho PNTM bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực. Theo đó, PNTM bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Đồng thuận với những đề xuất của Chính phủ, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) thống nhất bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với PNTM như trong Dự thảo Luật để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử. “Do chế định xử lý hình sự đối với pháp nhân là vấn đề mới, phức tạp chưa có thực tiễn, vì vậy, trước mắt chúng ta quy định như trong Dự thảo Luật là hợp lý và sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện trong thời gian tới” – đại biểu Tạ Minh Tâm nêu quan điểm. 

Không bỏ lọt nhưng cần cân nhắc

Cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, về đồng phạm, Điều 17 đưa ra các quy định sẽ áp dụng đối với PNTM phạm tội. Tuy nhiên, các quy định này chưa phản ánh được chính xác tính chất đồng phạm của PNTM. Mặt khác, quy định tại Dự thảo Luật cũng không giải thích được trường hợp 1 người và 1 PNTM cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì có phải là đồng phạm hay không. Do vậy, đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu đưa ra một khái niệm bao quát và chính xác hơn.

Còn theo quan điểm của đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội), Dự thảo Luật chưa đề cập đến trường hợp PNTM bị phát hiện vi phạm nhưng đã sáp nhập, mua bán lại và chuyển đổi chủ doanh nghiệp hoặc vấn đề xóa án tích sau mua bán, chuyển nhượng. Theo ông Quân, quy định này là cần thiết bởi trên thực tế khi gặp một vấn đề nào đó, một số pháp nhân đã cố tình chuyển đổi chủ doanh nghiệp.

Đại biểu Đoàn TP. Hà Nội cũng nêu ý kiến, cần cân nhắc hình phạt đình chỉ trong những hình phạt được đưa ra tại Dự thảo Luật liên quan đến PNTM, vì có những vấn đề trên thực tiễn rất đa dạng. Mặc dù Dự thảo Luật đã có một số quy định cho phép đình chỉ hoặc phạt tiền, tuy nhiên quy định này dễ dẫn đến tình trạng nhiều pháp nhân sẵn sàng nhận đình chỉ vì không có tiền để nộp phạt. Do đó, ông Quân đề nghị hình thức đình chỉ chỉ nên cân nhắc áp dụng trong một số trường hợp có tính chất đặc biệt liên quan đến các yếu tố môi trường xã hội, an ninh xã hội.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn Hà Giang) thì cho rằng, vấn đề PNTM là vấn đề mới đột phá, nhưng cần phải hết sức cân nhắc. Vì trên thực tế chúng ta đã có một chế định rất hay đó là về đồng phạm, trong đó quy định rất rõ 2 người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội, cùng mong muốn cho tội phạm đó xảy ra, thì hành vi thực hiện đến đâu sẽ chịu trách nhiệm hình sự đến đó. “Tôi cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc đưa những quy định liên quan đến PNTM vào BLHS. Làm sao để các quy định có thể định rõ tội danh, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không để những hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội quy định trong BLHS” – đại biểu tỉnh Hà Giang nói.

Chuyên đề