Bàn giao mặt bằng chắp vá, nhà thầu lãnh đủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án hạ tầng tại TP.HCM vướng mặt bằng đã khiến đội vốn đầu tư, vỡ tiến độ. Tại các công trình này, nhà thầu bị thiệt hại về kinh tế, bị động trong việc bố trí thiết bị, nhân sự.
Việc thi công dở dang rồi phải dừng do ách mặt bằng khiến nhà thầu phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Ảnh minh họa : Tiên Giang
Việc thi công dở dang rồi phải dừng do ách mặt bằng khiến nhà thầu phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Ảnh minh họa : Tiên Giang

Dự án điển hình về vướng mặt bằng khiến cả người dân, chủ đầu tư, nhà thầu khổ đủ đường tại TP.HCM là Dự án Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (đường Đặng Thúc Vịnh). Công trình chỉ dài hơn 5 km nằm trong trục kết nối TP.HCM qua Bình Dương, Long An với kinh phí 697,99 tỷ đồng liên tục bị trễ tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ”. Hàng loạt gói thầu thi công xây lắp thuộc Dự án dù triển khai từ giữa năm 2018 nhưng tiến độ liên tục bị gián đoạn.

Có thể kể đến Gói thầu Xây lắp 3 trị giá 53.720.049.899 đồng do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thịnh Phát thi công; Gói thầu Xây lắp 4 trị giá 79.790.230.074 đồng (Công ty CP Đầu tư và Thương mại 319); Gói thầu Xây lắp 2 có giá trị 89.110.127.442 đồng (Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng thương mại Mỹ Nam - Công ty TNHH Xây dựng Bảo Nam Long); Gói thầu Xây lắp 1 có giá trị 89.340.457.264 đồng (Liên danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Phúc Tiến - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An)…

Ngay khi phát lệnh khởi công, các nhà thầu nhanh chóng huy động nhân sự, thiết bị với phương án thi công nhanh nhất. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, việc chậm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu đã khiến nhiều phương án… phá sản. Việc thi công cần đồng bộ mới đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, nhưng lại vướng vì nhiều hộ dân không hợp tác. Tình trạng người và máy móc được huy động đến, đợi mặt bằng, rồi phải rút lui diễn ra liên tục”, đại diện một đơn vị thi công chia sẻ với Báo Đấu thầu.

Đến nay, sau 5 năm, cơ bản phần xây lắp đường đã được hoàn tất để khơi thông trục kết nối TP.HCM đi Bình Dương, Long An vào đầu năm 2022.

Hiện TP.HCM đang có rất nhiều công trình vướng mặt bằng như trên, đẩy nhà thầu xây dựng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Công trình mở rộng đường Lương Định Của (TP. Thủ Đức), nhiều nhà thầu đang thi công trong mặt bằng da beo, ngổn ngang dù đã phát lệnh khởi công được 7 năm. Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), Dự án chỉ dài gần 2,5 km, mở rộng 30 m gồm 4 làn xe nhưng đến nay mới thi công được 60% và tạm ngưng do vướng mặt bằng. Kế hoạch bàn giao mặt bằng của TP. Thủ Đức liên tục bị lùi từ năm 2016 đến nay. Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân dọc tuyến chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Có thể kể đến một số dự án khác, thậm chí dang dở hàng chục năm như Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn); Dự án Cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè... Tại Dự án cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức), nhà thầu thi công đã đạt khoảng 32% khối lượng nhưng phải tạm ngưng thi công đường dẫn đầu cầu do chưa được bàn giao mặt bằng…

Một số nhà thầu cho biết, việc thi công dở dang rồi phải dừng do ách mặt bằng khiến nhà thầu phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. “Ngoài nỗi lo khó đảm bảo chất lượng, tiến độ tổng thể gói thầu, nhà thầu luôn trong tình trạng thấp thỏm vì tính an toàn của công trình. Thi công gián đoạn, thậm chí kéo dài hàng năm ảnh hưởng rất lớn đến kỹ thuật thi công, sự đồng bộ của dự án… khi nhiều hạng mục đã xuống cấp, bị tác động do quá trình lưu thông của người dân”, một nhà thầu chia sẻ.

Chuyên đề