Ba “mũi giáp công” gỡ khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá tích cực về những động thái chính sách sau khi 3 tổ công tác tháo gỡ khó khăn được thành lập, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để có thể nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn về vốn và thị trường cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ tích cực để tháo gỡ những điểm nghẽn về vốn và thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ tích cực để tháo gỡ những điểm nghẽn về vốn và thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Chính phủ vừa thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Từ phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản đã họp và triển khai ngay các chương trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp. Sau khi làm việc, nổi lên một số vấn đề về pháp luật đất đai, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị, khó khăn về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Sau khi ghi nhận phản ánh, Tổ công tác đã trao đổi trực tiếp, hướng dẫn về mặt thực thi thể chế, phối hợp với địa phương phân loại khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ thông tin, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Từ góc độ tín dụng, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2%. Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đang khẩn trương làm việc để trình Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề pháp lý liên quan đến Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và các quy định liên quan, dự kiến trong thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết ngay trong tháng 12 này.

Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho rằng, 3 tổ công tác đều liên quan đến những khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay. “Điểm tích cực có thể thấy là ngay sau khi các tổ công tác này ‘vào việc’, một số động thái chính sách đã được triển khai. Đơn cử, việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ làm tăng thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp sắp được sửa đổi mang lại kỳ vọng tích cực về việc tháo gỡ ách tắc trên thị trường này”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, dù có thêm cơ hội, song không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi lẽ, với yêu cầu phải bảo đảm phương án kinh doanh khả thi, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn tất được hồ sơ vay do thị trường đầu ra khá yếu. Mặt khác, lãi suất vay vốn hiện đã ở mức rất cao, nên nhu cầu vay của nhiều doanh nghiệp chủ yếu là để trả nợ đến hạn, hơn là mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, song song với tháo gỡ khó khăn về vốn, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ tích cực để có thể có được đơn hàng mới và mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể giúp nền kinh tế có thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tình thế và cần những biện pháp tài khóa mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn thanh khoản của nền kinh tế.

Về trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Cường, phải tách bạch hai vấn đề. Theo đó, các vi phạm pháp luật phải bị xử lý, song không nên làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Với những vụ việc đã xảy ra, dù cơ quan pháp luật khẳng định “không hình sự hóa và sai đến đâu làm đến đó” nhưng những trường hợp đó đã và sẽ tác động rất mạnh đến tâm lý thị trường, thậm chí có thể dẫn đến đóng băng kênh trái phiếu doanh nghiệp. Điều này không công bằng đối với những doanh nghiệp kinh doanh tốt.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc cấp thêm hạn mức tín dụng sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ông Lực cũng khuyến nghị các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, bảo đảm thanh khoản, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng. Bộ Tài chính cần khơi thông kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp… để giải cơn “khát” vốn cho doanh nghiệp.

Chuyên đề