Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu mà không thực hiện đấu thầu với các gói thầu của 8 dự án công trình giao thông có tính đặc thù, cấp bách, cần triển khai và hoàn thành trong năm 2016 nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội đã giải quyết triệt để 10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2015 với điểm nhấn là 2 nút giao thông quan trọng tại hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa. Cùng với đó, nhiều nút giao khác cũng giảm đáng kể ùn tắc như: Lạc Long Quân - Thụy Khuê, Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, cầu Phương Liệt - dự án Vành đai 2. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại 46 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các nút giao thông và nhiều tuyến đường.
Trước kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội, tại Văn bản số 3859/BTC-ĐT gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thống nhất với nguyên tắc áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) đối với các công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông không thuộc đối tượng được chỉ định thầu. Tuy nhiên, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại cho phép áp dụng hình thức giao thầu đối với các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính chất cấp bách từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, kiến nghị áp dụng hình thức giao thầu đối với các công trình giao thông cấp bách nói trên là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, việc triển khai nhanh 8 dự án để khẩn trương khắc phục các điểm nút ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội là cần thiết. “Nhưng trong các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định từ Điều 20 đến Điều 25, Luật Đấu thầu, không có hình thức giao thầu”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Điều cần nói ở đây là, trong khi UBND TP. Hà Nội vừa quyết định chi 2.200 tỷ đồng để xóa 40 điểm ùn tắc giao thông còn tồn tại, thì lại chưa có một chính sách nào được cho là phù hợp để giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất lập phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nếu Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội thấy rằng, các gói thầu, dự án giao thông của Hà Nội có các điều kiện đặc thù.
Có lẽ, chừng nào đề xuất làm hài lòng tất cả các bên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thông qua, thì Hà Nội mới có thể triển khai 8 dự án giao thông quan trọng này.