Trạm dừng nghỉ Km57+500 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai có thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty Tuấn Tú Phú Thọ là 40 năm. Ảnh: Tiên Giang |
Trong 7 trạm dừng nghỉ này, 6 trạm có thời gian hoàn vốn tạm xác định vượt phương án tài chính được phê duyệt của dự án cao tốc.
Tháng 8/2012, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu VEC, trong đó có nội dung nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư dự án. Tháng 9/2012, VEC có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xin chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư một số công trình, hạng mục phụ trợ phục vụ quản lý, khai thác các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2014, HĐTV của VEC đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức xã hội hóa và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Bộ GTVT cho biết, trong năm 2014, VEC đã tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 7 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc. Cụ thể, Trạm dừng nghỉ Km227+000 Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình được giao cho Công ty CP Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh thực hiện đầu tư xây dựng. Trạm dừng nghỉ Km41+100 tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC ký hợp đồng nguyên tắc và giao cho Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn tiếp cận mặt bằng để nghiên cứu khảo sát thiết kế, đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, chi phí đầu tư Giai đoạn 1 của trạm dừng nghỉ này hơn 30 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn tạm xác định là 20 năm. Đây cũng là trạm duy nhất trong 7 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc có thời gian hoàn vốn tạm xác định không vượt phương án tài chính được phê duyệt.
6 trạm dừng nghỉ còn lại đều có thời gian hoàn vốn đầu tư tạm xác định vượt phương án tài chính được phê duyệt của các dự án đường cao tốc. Cụ thể, tại Trạm dừng nghỉ Km227+000 Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh tạm xác định tối đa 50 năm. Trong khi đó, theo Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 thì phương án tài chính của Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình được phê duyệt là 24 năm. Như vậy, phương án hoàn vốn đầu tư tạm tính cho Trạm dừng nghỉ Km227+000 vượt 26 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án. Theo báo cáo của Nhà đầu tư, chi phí đầu tư Giai đoạn 1 của Trạm dừng nghỉ này hơn 60 tỷ đồng; công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2014.
Tại 5 trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Trạm dừng nghỉ Km22+900 có giá trị hợp đồng Giai đoạn 1 được ký kết giữa VEC và Công ty TNHH Phước An là 113 tỷ đồng; công trình đưa vào sử dụng ngày 21/10/2015; thời gian hoàn vốn tạm xác định tối đa 50 năm. Trong khi đó, theo Quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, phương án tài chính được phê duyệt cho Dự án Nội Bài - Lào Cai là 27 năm, như vậy thời gian hoàn vốn tạm xác định cho trạm dừng nghỉ này vượt 23 năm.
Tại Trạm dừng nghỉ Km57+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty Tuấn Tú Phú Thọ là 40 năm, vượt 13 năm so với phương án tài chính của Dự án do Bộ GTVT phê duyệt. Trạm dừng nghỉ này được đưa vào khai thác Giai đoạn 1 vào tháng 4/2015 với tổng chi phí đầu tư hơn 80 tỷ đồng.
Tại Trạm dừng nghỉ Km117+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty CP Phú Thịnh Phú Thọ là 33 năm, vượt 6 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án. Công trình đưa vào khai thác vào tháng 4/2015; chi phí đầu tư Giai đoạn 1 hơn 30 tỷ đồng.
Tại Trạm dừng nghỉ Km171+500, thời gian hoàn vốn tạm xác định cho Công ty CP 27/7 Thanh Xuân là 40 năm (vượt 13 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án). Trạm dừng nghỉ này đưa vào khai thác vào tháng 12/2015; chi phí đầu tư Giai đoạn 1 hơn 50 tỷ đồng.
Cuối cùng, tại Trạm dừng nghỉ Km236+940 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Long Hải là 40 năm, vượt 13 năm so với phương án tài chính được duyệt của Dự án (27 năm).