Đến cuối tháng 8/2019, tổng vốn điều lệ của Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Ảnh: Minh Dũng |
Có ý kiến cho rằng, đây có thể là do sự phối hợp chính sách chưa tốt giữa các cơ quan có liên quan, và các ngân hàng sẽ phải chật vật xoay sở trong lúc chờ đến kỳ họp Quốc hội năm sau.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quá trình góp ý dự thảo Nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình, do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội nêu rõ, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank.
Để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng đủ mức vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).
Bình luận về việc nội dung tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước không được nêu tại Nghị quyết vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nói: “Tôi nghĩ là các đại biểu Quốc hội đã có thông tin, Thường vụ Quốc hội đã được nghe nhưng có lẽ vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Bởi vì, việc sửa đổi cả 3 nghị quyết hoặc ban hành nghị quyết mới bao trùm cả 3 nghị quyết trên cũng cần thời gian để xem xét, thẩm tra và thực hiện đúng - đủ các quy trình. Điều này cho thấy cần làm tốt hơn các khâu chuẩn bị, phối hợp chính sách để mang lại hiệu quả kịp thời”.
Liên quan đến “cái khó” của các ngân hàng thương mại nhà nước chưa được tăng vốn, ông Lực nói: “Không còn cách nào khác là phải chờ đến kỳ họp tới của Quốc hội. Trước mắt, khó khăn nhất có lẽ là VietinBank. Đây là ngân hàng có quy mô lớn, thị phần tín dụng khá lớn. Nếu không tăng được vốn thì tăng trưởng tín dụng sang năm sẽ rất èo uột, khoảng 4 - 5% như dự kiến của năm nay và chỉ tương đương khoảng một nửa so với mức tăng các năm trước của họ. Trong khi đó, Agribank lại khác, ngân hàng này chuẩn bị cổ phần hóa nên nhiều khả năng sẽ tăng được vốn”.