3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau: Chung mối lo thiếu cát đắp nền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi có kết quả chỉ định thầu, 3 gói thầu xây lắp của Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đều đã được ký hợp đồng, đồng loạt triển khai thi công. Tuy nhiên, theo Chủ đầu tư, vẫn còn vướng mắc về vật liệu cát đắp nền, có thể làm chậm tiến độ triển khai các gói thầu nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 18 triệu m3, nhưng mới xác định nguồn được 1 - 1,5 triệu m3. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 18 triệu m3, nhưng mới xác định nguồn được 1 - 1,5 triệu m3. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Những nhà thầu nào được chỉ định?

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến 73,223 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.152 tỷ đồng. Đơn vị chủ đầu tư thực hiện Dự án là Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận.

Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp, ký hiệu XL-01, XL-02, XL-03, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu XL-01 và XL-03 vừa được Ban QLDA Mỹ Thuận công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 13/2/2022. Gói thầu XL-02 được công bố ngày 30/12/2022, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả ngày 24/12/2022.

Theo đó, Gói thầu XL-01 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km53+000 - Km91+800 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá 7.256 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 6.466 tỷ đồng, giảm 790 tỷ đồng sau chỉ định thầu, tương đương tỷ lệ giảm giá 10,88%. Nhà thầu được chỉ định là Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Tân Nam.

Gói thầu XL-03 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km114+200 - Km126+223 bao gồm tuyến nối nút giao IC12 với QL1 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá 3.334 tỷ đồng. Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C là nhà thầu được lựa chọn, với giá trúng thầu hơn 3.028 tỷ đồng, giảm giá khoảng 306 tỷ đồng, tương đương 9,17%. Cả hai gói thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày, loại hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định và theo đơn giá điều chỉnh.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu XL-01 và XL-03 ngày 13/1/2023, Ban đã ký hợp đồng với 2 liên danh nhà thầu ngày 14/1/2023. Ban sơ suất đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu chậm do một số công việc gấp gáp trước và sau Tết Nguyên đán.

Sớm gỡ vướng để tránh ảnh hưởng tiến độ

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, sau khi ký hợp đồng các nhà thầu đã triển khai thi công ngay. Trên công trường, các nhà thầu bố trí đủ nhân sự, máy móc triển khai thực hiện các gói thầu. Mặt bằng được địa phương bàn giao cơ bản đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều dự án cao tốc tại khu vực miền Tây, vướng mắc hiện nay với Dự án là vật liệu cát đắp nền. Cụ thể, nhu cầu cát đắp nền của Dự án khoảng 18 triệu m3, hiện mới xác định nguồn được 1 - 1,5 triệu m3, còn thiếu rất nhiều. Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, các gói thầu mới khởi công nên chưa ảnh hưởng tiến độ, nhưng trong thời gian tới đây, tình trạng thiếu cát đắp nền là mối lo lớn có thể làm chậm tiến độ Dự án, nhất là khi nhiều dự án cao tốc lớn khác trong vùng như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu đồng loạt thi công.

Đại diện một nhà thầu thi công Gói thầu XL-01 cho biết, Nhà thầu đã tổ chức nhiều mũi thi công. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cát đắp nền cũng là mối lo của nhà thầu vì nguồn cát phải đáp ứng kịp thời để đồng loạt thi công các hạng mục, đặc biệt là công tác đắp nền đường trên toàn tuyến cần sớm hoàn thành để chờ lún. Các nhà thầu đều mong muốn địa phương trong vùng sớm nâng công suất các mỏ đang khai thác và đẩy nhanh thủ tục để khai thác mỏ mới.

Chuyên đề