Một lô hàng điện tử nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ trước khi thông qTP. HCM ép hơn 200 doanh nghiệp 'cống nạp' để thông quanuan. |
Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Tường Duy (SN 1968, ngụ quận 1, TPHCM) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo thông tin ban đầu, Nguyễn Tường Duy được bố trí công tác ở Đội Kiểm soát, Cục Hải quan TPHCM với nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa và chống buôn lậu qua biên giới. Lợi dụng chức vụ này, Duy đã tìm cách buộc các doanh nghiệp có hàng hóa cần thông quan phải chung chi mới cho qua.
Duy đặt cho một container được thông quan không có dấu hiệu khả nghi là 2 triệu đồng và những container nào chứa hàng hóa “có vấn đề” là 15 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, Duy đã ép buộc hơn 200 lượt doanh nghiệp phải nộp tiền mới thông quan hàng hóa. Nếu không chịu “luật chơi” mà Duy đặt ra, các container của doanh nghiệp sẽ bị ách ứ lại và phải trả tiền lưu kho để chờ mở cửa kiểm tra. Do lo sợ hàng hóa bị ách ứ, nhiều doanh nghiệp bấm bụng chấp nhập quy định của Duy. Tuy nhiên dư luận vẫn hoài nghi nếu chỉ một mình Nguyễn Tường Duy thì không thể đặt ra “luật chơi” riêng cho mình?
Theo điều tra của Tiền Phong, trước năm 1990, Nguyễn Tường Duy từng làm việc tại Cục Hải quan tỉnh An Giang. Một năm sau, Duy bị kỷ luật buộc thôi việc do có sai phạm. Sau đó, không hiểu bằng con đường nào, Duy được vào làm ở Cục Hải quan TPHCM hơn 20 năm nay.
Trong gia đình 4 anh em của Duy đều làm việc trong ngành Hải quan. Hiện có đến 3 người đã dính vào vòng lao lý (1 người đã là tội phạm, 2 người đang là bị can của những vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế). Cuối tháng 12/2015 lại đến lượt Nguyễn Tường Duy bị bắt khi vừa đáp chuyến bay từ Trung Quốc về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất TPHCM. Khi vừa xuống sân bay làm thủ tục nhập cảnh xong, Duy bị lực lượng công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Qua khám xét nơi ở quận 1, công an thu giữ hàng chục phong bì chứa gần 1 tỷ đồng. Đây là số tiền bị tình nghi các doanh nghiệp cống nạp cho ông trong khoảng thời gian 5 ngày đi Trung Quốc.
Không “bôi trơn”, hàng khó thông quan
Sau khi Duy bị bắt, nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận, để có thể thông quan một cách thuận tiện và nhanh chóng, họ phải chấp nhận bỏ ra một khoản “phí bôi trơn”.
Một nhân viên của công ty kinh doanh thực phẩm ngoại nhập ở TPHCM cho biết, hầu như công ty nào muốn thông quan nhanh chóng cũng phải chung chi. Tùy từng loại mặt hàng nhập vào mà số tiền phải dùng để “bôi trơn” có thể cao hay thấp. Theo nhân viên này, các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả phải chịu nhiều chi phí như phí bảo quản, lưu kho lạnh… Để tránh việc thực phẩm tồn trong kho của hải quan lâu ngày thì cũng phải chịu một khoản phí cho hải quan cho dù có giấy tờ đầy đủ hay không.
Đối với các mặt hàng như đồ điện tử, phế liệu “có vấn đề”, việc lót tay để được thông quan là chuyện như cơm bữa. “Kinh doanh thì phải chấp nhận, mỗi mặt hàng có một giá khác nhau. Việc sản phẩm nhập về đầy đủ thông tin mà vẫn phải mời họ đi cà phê là chuyện bình thường”, nhân viên này nói.
Theo vị chủ tịch một hội thuộc ngành vận tải TPHCM (xin giấu tên), hiện tại vẫn có nhiều thủ tục còn kẽ hở để cán bộ hải quan làm luật với doanh nghiệp. “Có khi họ không đòi hỏi nhưng doanh nghiệp vẫn phải tự đưa vì không có thì hàng sẽ bị tồn trong kho thời gian dài vừa phải chịu thuế lưu kho, hàng hóa lại có nguy cơ hư hỏng, mất giá. Những mặt hàng mà doanh nghiệp chủ động để “bôi trơn” là những mặt hàng có tên lạ, hàng điện tử hoặc hàng cấm nhập khẩu…”, vị chủ tịch nói.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2015 cho thấy, có 28% doanh nghiệp cho biết phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan. Một số doanh nghiệp cho biết họ e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả thêm chi phí ngoài quy định.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường:
“Sẽ chấn chỉnh lại công tác cán bộ”
Chiều 10/1, trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, cho biết: Trước khi cán bộ này (Nguyễn Tường Duy-PV) bị bắt, đơn vị đã nhận được thông tin từ ngành công an và đã xử lý nội bộ bằng cách điều chuyển công tác. “Đơn vị đã nhận được phản ánh về một số người và đã điều chuyển công tác. Các thông tin tiêu cực do doanh nghiệp phản ánh trực tiếp tới ngành công an, sau đó chúng tôi phối hợp để làm rõ”, ông Cường nói.
Ông Cường phụ trách trực tiếp Cục Hải quan TPHCM. Đây là cục đã yêu cầu tất cả cán bộ phải ký cam kết không tiếp tay cho buôn lậu, không nhũng nhiễu người làm thủ tục hải quan. “Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, không làm gì khác được. Chắc chắn sau đợt này chúng tôi chấn chỉnh lại công tác cán bộ”, ông Cường nói thêm.
Tuấn Đức