Kiểm tra, giám sát công tác thi công tại hiện trường |
Ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin là chương trình trọng điểm do Ban Chỉ đạo ngầm hóa của TP.HCM chỉ đạo và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) được giao là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện. Mục đích của chương trình là bảo đảm an toàn điện, xây dựng hạ tầng kỹ thuật lưới điện và cáp viễn thông theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mỹ quan đô thị.
EVNHCMC đã triển khai xây dựng Đề án “Ngầm hóa lưới điện TP.HCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hoá dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” được UBND Thành phố thông qua và chính thức triển khai từ năm 2011.
Đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giám sát trực tiếp của UBND TP.HCM nên tạo được sự phối hợp nhuần nhuyễn, xuyên suốt giữa các bên, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác ngầm hóa trên địa bàn Thành phố.
Ông Bành Đức Hoài - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (bên phải) kiểm tra thi công ngầm hóa |
Tính đến thời điểm hiện tại, EVNHCMC đã phối hợp cùng các đơn vị viễn thông như Viettel, FPT, VNPT, SCTV… hoàn tất nhiều dự án ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường chính trong khu vực nội thành, các tuyến đường liên quận, các tuyến đường có tên trong khu vực trung tâm Thành phố thuộc Quận 1 và Quận 3. Khu vực nội thành gồm các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp có tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt 60%. Lưới điện, cáp viễn thông trong các dự án giao thông cải tạo, sửa chữa, mở rộng đường được thực hiện ngầm hóa đồng bộ.
Trong quá trình triển khai, để bảo đảm không ảnh hưởng tới an toàn giao thông đô thị và đời sống sinh hoạt của người dân, các tuyến đường ngầm hóa phải thi công hoàn toàn vào ban đêm. Trước khi thực hiện, EVNHCMC phải xin ý kiến chỉ đạo từ các sở, ban ngành, đơn vị liên quan để lên kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp cho từng địa bàn khác nhau. Dù việc thi công ban đêm gặp phải một số khó khăn, nhưng các đơn vị liên quan đã cố gắng khắc phục, đưa ra nhiều giải pháp cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị hiện đại để đáp ứng đúng tiến độ và hoàn trả mặt bằng trước 6 giờ sáng hàng ngày.
Không chỉ giới hạn về thời gian thực hiện, hạng mục giải phóng mặt bằng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với công tác tham vấn cộng đồng, lắng nghe và giải đáp, thuyết phục bà con nhân dân đồng tình ủng hộ dự án. Có một thực trạng là rất nhiều tuyến đường có vỉa hè chật hẹp, không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Một số tuyến khác thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí nhiều hệ thống hạ tầng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị. Ngoài ra, một số hộ dân không muốn lắp đặt các trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà, dẫn đến việc thương lượng, thỏa thuận kéo dài, làm chậm tiến độ chung của dự án. Do đó, các đơn vị rất mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt giữa các sở, ban ngành và sự đồng thuận của bà con nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác ngầm hóa thời gian tới.
Với sự nỗ lực, đồng hành từ các đơn vị viễn thông, các dự án ngầm hoá lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông được kỳ vọng triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, tăng năng lực thu hút đầu tư, tạo đà cho công tác xây dựng hạ tầng để chuẩn bị điều kiện xây dựng thành phố thông minh trong những năm tới.