Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 20/4, IMF nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong các năm 2022, 2023 và lạm phát tiếp tục ở mức cao |
Mặc dù Nga là đất nước 146 triệu dân và diện tích đất lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế của nước này có quy mô tương đối khiêm tốn với GDP gần tương đương Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu khi là nhà xuất khẩu lớn của một số mặt hàng quan trọng nhất thế giới. Do đó, xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt giữa Nga và phương Tây sẽ tạo ra nguy cơ gián đoạn chỗi cung ứng, thương mại hàng hóa bị đứt gãy, đặc biệt là xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu. Rủi ro này thể hiện ở việc các mặt hàng chủ chốt tăng giá nhanh, lạm phát lan rộng toàn cầu và thậm chí ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Nga suy thoái
Hàng hoá chiếm 10% GDP của Nga, gần 70% kim ngạch xuất khẩu và 20% nguồn thu của Chính phủ nước này, Deloitte cho biết. Do đó, mặc dù sẽ được hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn, nhưng nền kinh tế của Nga có khả năng bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt tài chính.
Việc Nga tăng lãi suất lên mức cao để đối phó với các lệnh trừng phạt sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tín dụng. Nỗ lực của người tiêu dùng trong việc thanh lý tiền gửi ngân hàng và chuyển tiền mặt sang ngoại tệ sẽ làm suy yếu khả năng của các ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ trung gian tài chính mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga đang khiến nhiều công ty trên thế giới không còn giao dịch với các công ty Nga. Việc cản trở hoạt động thương mại có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng tiêu dùng cũng như các nguyên liệu đầu vào quan trọng của Nga. Quan trọng nhất, việc giảm xuất khẩu hàng hóa của nước này có thể sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao, do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nếu chiến dịch quân sự tại Ukraine kéo dài, chi phí quân sự mà chính phủ Nga có thể phải đối mặt rất lớn.
Trong khi đó, nhiều khả năng Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện gần đây theo hai cách quan trọng. Thứ nhất, đồng rúp mất giá và thứ hai, lạm phát tăng.
Đồng rúp biến động mạnh trong thời gian qua khiến giá cả ở Nga tăng lên chóng mặt. Mức lạm phát ở Nga tính đến 20/4 đã tăng lên 17,62%, tức gần gấp đôi so với hồi tháng 2.
Đồng rúp biến động mạnh trong thời gian qua khiến giá cả tăng lên chóng mặt, mức lạm phát ở Nga tính đến 20/4 đã tăng lên 17,62% - gần gấp đôi so với hồi tháng 2/2022 |
Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) cho biết, hiện giá của hầu hết mọi mặt hàng tại Nga từ rau quả, đường sữa cho đến quần áo và điện tử gia dụng đã tăng mạnh. Tính đến ngày 8/4, giá lương thực tăng hơn 19%. Một trong số ít các mặt hàng gần như không tăng giá hoặc tăng rất nhẹ tại Nga đó là xăng và rượu vodka.
Các nhà phân tích khảo sát của Reuters hồi tháng 3 dự báo lạm phát trung bình năm nay của Nga vào khoảng 23,7%, cao nhất kể từ năm 1999.
Tại báo cáo cập nhật công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm sâu dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển châu Âu và Trung Á (ECA) do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, theo đó, trong kịch bản thấp, GDP năm 2022 tại Nga sẽ giảm 20%.
Trong khi đó, IMF dự báo GDP của Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay, dự kiến giảm thêm 2,3% trong năm 2023 và có thể giảm tới 17% nếu phương Tây áp lệnh trừng phạt xuất khẩu năng lượng lên nước này.
Theo ông Pierre - Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nền kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt do nhiều quốc gia phương Tây áp đặt và có thể thấy những thiệt hại hơn nữa nếu những lệnh trừng phạt được mở rộng nhằm vào xuất khẩu năng lượng.
Ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế toàn cầu
Tiến sĩ Ira Kalish, Giám đốc Kinh tế toàn cầu của Deloitte, đánh giá, có hai kênh chính mà cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu - thay đổi giá hàng hóa và gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Kể từ khi xung đột xảy ra, giá dầu và khí đốt tự nhiên toàn cầu đã tăng mạnh lên mức kỷ lục nhiều năm, đặc biệt là khí đốt ở châu Âu. Ngoài ra, giá các mặt hàng khoáng sản và lượng thực cũng tăng mạnh, giá lương thực hiện đang ở mức cao nhất trong 6 thập kỷ.
Giá hàng hóa tăng cao kỷ lục và nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục sẽ gây ra lạm phát cao kéo dài và gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu. Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy yếu.
Thực tế, lạm phát ở 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng 7,5% vào tháng 3 vừa qua, từ mức 5,9% một tháng trước đó. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử quan sát của Eurostat.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết, lạm phát ở Eurozone có khả năng bị thúc đẩy bởi 3 yếu tố, bao gồm giá năng lượng trên toàn thế giới tăng cao, áp lực ngày càng tăng trong lĩnh vực thực phẩm và một số điểm nghẽn sản xuất.
Không chỉ ở châu Âu, bóng đen lạm phát cũng đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trước khi chiến sự xảy tra, một số ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã bắt đầu hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để đối phó với lạm phát. Chiến sự xảy ra làm trầm trọng thêm lạm phát và có thể làm suy yếu tăng trưởng. Lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, dấy lên lo ngại suy thoái trên thị trường tài chính.
Một rủi ro quan trọng khác đối với nền kinh tế toàn cầu đến từ việc cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng chủ chốt.
Xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm lạm phát và có thể làm suy yếu tăng trưởng tại nhiều quốc gia |
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và sự tắc nghẽn của các tuyến vận tải đã có ảnh hưởng rõ rệt đến thương mại. Theo nền tảng theo dõi chuỗi cung ứng FourKites, nhập khẩu của Nga thông qua tất cả các phương thức vận tải đã giảm 62% trong tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng, nhập khẩu vào Ukraine giảm 97%.
Các hãng tàu container lớn, bao gồm cả hai hãng lớn nhất thế giới, tuân theo các lệnh trừng phạt của các chính phủ phương Tây khi đang tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Nga, với các lô hàng thực phẩm và thuốc được miễn trừ. Trong khi đó, các máy bay của châu Âu và Nga bị cấm bay vào không phận của nhau. Kết quả là máy bay đi lại giữa châu Âu và châu Á phải qua những chặng đường dài hơn và đắt hơn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của hành khách mà còn làm tăng chi phí và giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa có giá trị cao. Thêm vào đó, các máy bay chở hàng của Nga cũng sẽ bị gián đoạn, làm giảm sức tải toàn cầu.
Niềm tin của doanh nghiệp ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã sụt giảm kỷ lục trong tháng 3. Các nhà máy trên khắp Liên minh châu Âu (EU) điêu đứng vì thiếu dầu diesel và linh kiện đầu vào. Những chuyến tàu chở hàng đi qua những cửa ngõ chủ chốt ở Biển Bắc như Bremerhaven bị kéo dài.
“Chúng tôi cứ nghĩ Nga chỉ là câu chuyện về nguồn cung tài nguyên, có thể đẩy giá năng lượng tăng cao, từ đó khiến cho giá cả trong chuỗi cung ứng trở nên đắt đỏ hơn mà sẽ không gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng mọi chuyện hóa ra lại đáng lo hơn so với nhận định ban đầu”, chuyên gia kinh tế Vicent Stamer thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel của Đức nói với hãng tin Bloomberg.
Tại một cuộc họp báo đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tuyên bố, việc Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới “sẽ đồng nghĩa với việc chuỗi cung ứng càng rối hơn, đẩy lùi sự giải tỏa mà chúng ta vốn dĩ đang chờ đợi”.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 20/4, IMF nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong cả năm nay và năm 2023, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Trong đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine được coi là một trong những rủi ro chính, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.
IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022. Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% - thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 - 2013.