Xuất khẩu vượt “bão táp”, định hình tương lai xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch và những xung đột kinh tế - chính trị trên trường quốc tế khiến người dân toàn cầu phải trải qua 3 năm bất an với thu nhập suy giảm, cả thế giới phải thắt chặt tiêu dùng. Dòng chảy XNK ở nhiều quốc gia chững lại. Trong khó khăn chung đó, Việt Nam vượt bão táp, tiếp tục ghi dấu ấn kỷ lục về giá trị giao thương quốc tế năm 2022. Một số doanh nghiệp xuất khẩu (XK) trong nước, đặc biệt ở ngành gạo và dệt may, đang có sự chuyển mình, tìm cơ hội xác lập vị thế XK bền vững.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, xuất siêu 11 tỷ USD. Ảnh: Tiên Huyền
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, xuất siêu 11 tỷ USD. Ảnh: Tiên Huyền

Bức tranh sáng màu

“Năm 2022 tiếp tục là một năm ngành gạo nước ta khởi sắc! XK toàn ngành ước đạt 7 triệu tấn với trị giá gần 4 tỷ USD, tăng cả về sản lượng và giá trị. Đây là kết quả ấn tượng, vượt mục tiêu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An mở đầu câu chuyện về XK gạo trong năm qua.

Ông Bình cho biết, với những kế hoạch kinh doanh bài bản hướng tới phát triển bền vững, đối tác thương mại được mở rộng và đặc biệt là phẩm cấp hạt gạo Việt ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở những thị trường được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới như: Nhật Bản, các nước châu Âu… ngày càng yêu thích và lựa chọn gạo Việt.

Kim ngạch XK gạo sang nhiều thị trường, theo ông Bình, là rất tích cực. Điển hình như thị trường Liên minh châu Âu (EU), sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực, sản lượng gạo của Việt Nam XK vào thị trường này tăng vọt. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Năm 2022, XK gạo vào khối EU tiếp tục có sự tăng trưởng, sản lượng ước đạt 80.000 - 90.000 tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ XK gạo khởi sắc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương chia sẻ, hầu hết các mặt hàng nông sản năm qua tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị XK. Doanh nghiệp (DN) đã khai thác tốt thị trường truyền thống và mở ra các thị trường mới.

Với thị trường rộng lớn Trung Quốc, năm 2022, Việt Nam XK chính ngạch nhiều mặt hàng như: sầu riêng, chuối... Các cơ quan chức năng cũng đang hoàn thành thủ tục mở cửa thị trường cho mặt hàng nhãn sang thị trường Nhật Bản; chanh và bưởi sang New Zealand… nhằm đa dạng hóa thị trường cho hàng nông sản. Một dấu ấn lạc quan khác trong hoạt động XK của Việt Nam là năm 2022, ngành thủy sản “về đích” ngay từ đầu tháng 12 với lễ ăn mừng XK đạt 10 tỷ USD - kỷ lục của ngành thủy sản trong hơn 20 năm XK ra thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng công nghiệp dù khó khăn, nhưng vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng như: XK dệt may ước tính mang về 44 tỷ USD năm 2022, tăng 8,8% so với năm trước; xuất khẩu ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí số 1.

Trong góc nhìn của ông Trần Thanh Hải, yếu tố làm nên điểm sáng cho XNK Việt Nam xuất phát từ những quyết sách của Chính phủ nhằm kiểm soát sớm dịch Covid-19 cùng quyết tâm ban hành các chính sách phục hồi và tăng trưởng kinh tế cao trở lại. Việc mở cửa thị trường đúng thời điểm các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới có hiệu lực đã tạo động lực kép cho XNK Việt Nam.

Tính chung năm 2022, cả nước ước đạt 732 tỷ USD kim ngạch XNK, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, XK đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, cán cân thương mại xuất siêu 11 tỷ USD, tạo “chân kiềng” vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Củng cố nội lực, định hình tương lai xanh

Kinh tế thế giới vẫn trong đà suy thoái, dẫn tới nguy cơ giảm cầu, thắt chặt tiêu dùng lan rộng là những diễn biến thực tế mà DN XK phải đối mặt trong năm 2023 này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh bình thường, quốc tế có nhu cầu tiêu dùng lớn và ổn định với một số mặt hàng XK chủ lực như: điện tử, dệt may, da giầy… Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực trên đang và sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi. Chưa kể, những ngành hàng này đều có tỷ lệ thâm dụng lao động cao, nên khi sụt giảm đơn hàng XK, sẽ ảnh hưởng không chỉ tới cán cân thương mại, mà tới hàng ngàn, hàng vạn người lao động và phía sau mỗi người lao động là gia đình.

Tuy vậy, khó khăn của bối cảnh quốc tế không phải tác động tới tất cả các ngành hàng XK. Theo ông Phạm Thái Bình, doanh nghiệp của ông vẫn liên tục có đơn hàng XK đi các thị trường như: EU, Australia hay Trung Đông… Tất nhiên, để có đơn hàng đòi hỏi sự chủ động cao và nỗ lực xây dựng giá trị từ doanh nghiệp.

Cụ thể, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, để nâng tầm vị thế hạt gạo Việt Nam, không chỉ công ty ông mà một số DN XK gạo khác đã đẩy mạnh thực thi các giải pháp để sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững. “XK bền vững là xu thế đang diễn ra trên toàn cầu. Nếu sản xuất kinh doanh của DN đi chệch xu hướng này thì khó có thể XK được nữa”, ông Bình nhấn mạnh.

Không riêng ngành gạo tự tin, trong ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, những khó khăn, thách thức thực tế trên thương trường sẽ giúp Tập đoàn bước đi một cách chủ động hơn, sẵn sàng những giải pháp ứng phó. Chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí những ngày cuối năm 2022, ông Trường cho biết, Tập đoàn sẽ triển khai kế hoạch kinh doanh linh hoạt, chủ động nhằm nắm bắt tốt hơn các cơ hội của thị trường.

Củng cố nội lực để XK bền vững, thời gian qua, Vinatex cũng như nhiều DN dệt may khác nỗ lực phát triển nguồn cung, chuyển dịch chuỗi sản xuất dệt may về phía thượng nguồn (sản xuất sợi, vải) để chủ động hơn về nguồn nguyên phụ liệu, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Ngày càng nhiều DN nhận ra rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng quốc tế vừa là thách thức, vừa là “chìa khóa” để DN XK trụ vững trong biến động.

Theo Phó Cục trưởng Cục XNK Trần Thanh Hải, trong bối cảnh mới, DN không thể chỉ quan tâm đến sản xuất hàng hóa nhiều, tốt, rẻ, mà còn cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội để thích ứng với xu thế tiêu dùng xanh, bền vững đang diễn ra mạnh mẽ. “Nếu DN XK của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu đó thì sẽ có DN khác ở quốc gia khác làm được để lấp chỗ trống, chiếm lĩnh thị trường”, ông Hải nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư