Xây dựng mẫu hồ sơ mời thầu mượn thiết bị y tế: Mô hình mới cần tư duy mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện Dự thảo mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu mượn thiết bị y tế (TBYT) trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các bên liên quan. Mẫu HSMT này nằm trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu (LCNT) và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Cần sớm triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mượn thiết bị y tế để người dân được sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Ảnh: Lê Tiên
Cần sớm triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mượn thiết bị y tế để người dân được sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Ảnh: Lê Tiên

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, trước đây việc mượn TBYT được thực hiện thông qua việc tổ chức đấu thầu hóa chất. Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, trong vòng 5 năm tới, các chủ thể sẽ phải chuyển đổi sang mô hình mới là LCNT cung cấp dịch vụ kỹ thuật (DVKT), trong đó bao gồm cả phần TBYT, hóa chất, vật tư xét nghiệm, bảo hành, bảo trì…

Bà Hằng cho biết, mẫu HSMT sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ sở y tế có thể triển khai các gói thầu mượn TBYT. Từ đó, tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua trong quá trình thực hiện hoạt động LCNT cung ứng hóa chất, vật tư xét nghiệm và TBYT. Đồng thời, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng và tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu của ngành y tế. Qua đó, quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai và kê khai lại giá vật tư, hóa chất và TBYT phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

“Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nên khó tránh khỏi sự lo lắng của các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu vốn đã quen với cách làm truyền thống (máy đặt, máy mượn). Tuy nhiên, không vì thấy khó khăn mà từ bỏ. Trong quá trình thực hiện, các bên gặp khó ở đâu, Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành tháo gỡ ở đó. Mô hình mới bao giờ cũng đòi hỏi phải đổi mới tư duy, mạnh dạn hành động”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Hùng Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế thuộc Cục Quản lý đấu thầu, mẫu HSMT này có nội dung cơ bản như các mẫu HSMT gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa... Tuy nhiên, điểm khác biệt của gói thầu mượn TBYT là ở việc xác định giá dự thầu trọn gói cho từng dịch vụ kỹ thuật, tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm; quy cách đóng gói; thanh toán định kỳ; thực hiện trách nhiệm sửa chữa, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng…

Ông Trần Xuân Cừ, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban kiểm tra của Hội TBYT Việt Nam cho rằng, từ những bài học kinh nghiệm trong cơ chế đặt máy thời gian qua, cần có hướng dẫn quy trình LCNT mượn TBYT chặt chẽ hơn. Thực tế, hiện người dân không được sử dụng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao do số lượng TBYT quá ít, hợp đồng liên doanh liên kết đã ký trước đây gần như đã hết thời hạn nhưng không ai dám ký tiếp vì lo ngại rủi ro. Do vậy, cần triển khai LCNT thực hiện gói thầu mượn TBYT càng sớm càng tốt. Để triển khai hiệu quả mô hình này, ngoài quy trình LCNT, cần có sự đồng bộ về cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Dưới góc độ nhà thầu, ông Phan Hiển Kiên, Trưởng phòng Dự án Công ty TNHH TBYT Minh Tâm cho rằng, cần có cơ chế cam kết chia sẻ rủi ro giữa nhà thầu và chủ đầu tư khi tăng hay giảm khối lượng DVKT. Nếu chủ đầu tư mời thầu số lượng 1 triệu test/năm nhưng thực tế chỉ sử dụng 500.000 test/năm, hoặc bị xuất toán chi trả từ Quỹ BHYT… thì phải có cơ chế đền bù cho nhà thầu. Bởi vì công suất DVKT đầu ra (số lượng xét nghiệm) phụ thuộc nhiều vào cách sử dụng cỡ mẫu, chạy máy của mỗi chủ đầu tư.

Ghi nhận góp ý này, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, Dự thảo đã bổ sung quy định trao quyền chủ động cho chủ đầu tư lựa chọn “có cam kết” hoặc “không có cam kết” về khối lượng bắt buộc phải thực hiện và cách thức xử lý khi không thực hiện theo cam kết. “Theo tôi, chủ đầu tư nên có cam kết, bởi chủ đầu tư có đầy đủ các cơ sở pháp lý và công cụ để thực hiện như có thể áp dụng tùy chọn mua thêm (không quá 30%) hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Nếu chủ đầu tư có cam kết chia sẻ rủi ro thì giá dự thầu sẽ thấp hơn, còn nếu không có cam kết thì giá dự thầu sẽ cao hơn”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu khuyến cáo.

Chuyên đề