Vì sao TP.HCM muốn phát triển dự án PPP trên tuyến hiện hữu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 6 năm triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP.HCM đã đưa nhiều công trình hạ tầng giao thông đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, do nhiều thay đổi về chính sách, điều chỉnh hợp đồng, không ít dự án dù đã triển khai nhưng vẫn ngổn ngang, chưa có lối thoát.
IDICO-IDI đang “mắc cạn” tại Dự án Cầu Tân Kỳ - Tân Quý dù đã khởi công được gần 5 năm, khối lượng thi công đạt hơn 70%. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
IDICO-IDI đang “mắc cạn” tại Dự án Cầu Tân Kỳ - Tân Quý dù đã khởi công được gần 5 năm, khối lượng thi công đạt hơn 70%. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại TP.HCM, Dự án Cầu đường Bình Triệu 2 có quy mô 6.357 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) làm nhà đầu tư có thể xem là điển hình của việc dự án PPP “đắp chiếu” do… bất khả kháng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, Dự án đã được tính toán rất cụ thể khi triển khai vào năm 2018 như sau: 230 tỷ đồng ứng cho Thành phố để thanh toán chi phí đầu tư cầu Bình Triệu 2 của Cienco5, sửa chữa cầu Bình Triệu 1, lắp đặt trạm thu phí cầu Bình Triệu 1. Đồng thời, dự kiến bổ sung ứng cho Thành phố 1.120 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2, sẽ bổ sung đầu tư 480 tỷ đồng để mở rộng đường Ung Văn Khiêm; xây dựng nút giao thông Ngã Năm đài Liệt sỹ, mở rộng cầu Ông Dầu. Sang giai đoạn 3 sẽ đầu tư toàn tuyến Quốc lộ 13.

Tuy nhiên, sau 5 năm, Dự án không thể triển khai tiếp do quy định không đầu tư dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu dù nhà đầu tư đã tốn nhiều công sức, tiền bạc. Điều này dẫn tới thực trạng khu vực Quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm, nút giao Ngã Năm vài năm trở lại đây là điểm đen giao thông vì quá tải, xuống cấp.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) cũng đang “mắc cạn” tại Dự án Cầu Tân Kỳ - Tân Quý dù đã khởi công được gần 5 năm, khối lượng thi công đạt hơn 70%. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 80 m, chi phí ban đầu ở mức hơn 310 tỷ đồng. Tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe do áp lực giao thông của khu vực có mật độ dân cư đông nhất TP.HCM.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm, chỉ tính trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, trên địa bàn Thành phố còn nhiều dự án vì vướng mắc về chủ trương đầu tư, phải điều chỉnh hoặc đang tạm dừng toàn bộ để thực hiện theo ý kiến của cơ quan chức năng. Các dự án đều có vai trò trọng yếu đối phát triển hạ tầng đô thị của Thành phố với quy mô hàng nghìn tỷ đồng như: đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc TP.HCM - Trung Lương; đường Vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa; Dự án Giải quyết ngập do triều….

“Để giải quyết thấu đáo các dự án dang dở như trên, Sở Giao thông vận tải đã có ý kiến để Thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Hy vọng các ý kiến này được ghi nhận và từ đó kịp thời điều chỉnh chính sách để phát huy hiệu quả các dự án PPP phát triển hạ tầng đô thị, tránh lãng phí, giữ được niềm tin cho các nhà đầu tư”, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho biết, đề xuất phát triển dự án PPP trên tuyến hiện hữu hoàn toàn phù hợp với TP.HCM và các đô thị nói chung. “Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 của TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đầu tư khoảng 454 km đường với tổng kinh phí khoảng 266.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Thành phố là 92.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách TP.HCM không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển này. Bên cạnh đó, bản chất của giao thông đô thị, đặc biệt với TP.HCM là cần mở rộng, nâng cấp, cải tạo, thay thế trên mạng lưới hiện hữu để nâng cao khả năng vận tải, lưu thông. Do đó, việc huy động vốn tư nhân để phát triển các dự án này là phù hợp”, ông Trường phân tích.

Theo ông Phan Công Bằng, nhu cầu mở rộng, cải tạo đường bộ ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị. Do đó, Sở Giao thông vận tải mong muốn sớm có cơ sở pháp lý để triển khai dự án PPP trên các tuyến giao thông hiện hữu. Có thể thông qua hình thức Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, hoặc tiền ngân sách trả chậm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có 6 dự án có thể xem xét thực hiện theo hình thức BOT với nguồn vốn thu hút đầu tư gần 100.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn An Lạc - giáp ranh Long An; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22; Dự án Mở rộng Quốc lộ 13; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam; Dự án Trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) và Dự án Đường song song Quốc lộ 50.

Chuyên đề