Vạch con đường lớn, nâng tầm phát triển Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được xem là bước chuyển quan trọng để đưa địa phương này phát triển đột phá, bền vững, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cùng phát triển cho các nhà đầu tư.
Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình xác định trọng tâm phát triển là du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm hiểu, khảo sát các dự án đầu tư tại Quảng Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng

Quy hoạch tỉnh Quảng Bình xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho địa phương. Xin ông cho biết rõ hơn về các nội dung này?

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ”, và đến năm 2030 “trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung”.

Trên cơ sở đó, Quy hoạch Tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí, thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng là Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu kinh tế Hòn La.

Đồng thời, Tỉnh quy hoạch 3 trung tâm đô thị, gồm: Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối Thành phố như Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, Khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Bên cạnh đó, Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển 3 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Quy hoạch, Quảng Bình phát triển kinh tế theo 4 trụ cột, gồm: tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp là trọng điểm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của Tỉnh; phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 8,4 - 8,8%/năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Quảng Bình xác định đâu là những ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tập trung phát triển, thưa ông?

Để đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 từ 8,4 - 8,8%/năm, Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân trong thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ chính là phát huy giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đến năm 2025, Tỉnh sẽ xây dựng Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đạt chuẩn công nhận Khu du lịch quốc gia; đồng thời phấn đấu đệ trình UNESCO công nhận thêm danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong giai đoạn tới.

Bên cạnh du lịch, Tỉnh cũng chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm, thủy sản (tập trung các phân ngành: chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm và nông sản xuất khẩu); sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, xi măng chất lượng cao, vôi chất lượng cao, gạch không nung); công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp hỗ trợ... gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Đồng thời, Quảng Bình sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện thu nhập và đời sống khu vực nông thôn, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế.

Ngoài ra, để phát huy tiềm năng, lợi thế của 116,04 km chiều dài bờ biển và thềm lục địa rộng lớn, Tỉnh tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới...; gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Ảnh: Tuấn Việt

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Ảnh: Tuấn Việt

Sở hữu các giá trị độc đáo từ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình định vị trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á, là nơi nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Xin ông chia sẻ quan điểm thu hút đầu tư của Quảng Bình để đạt được mục tiêu này?

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Một là xây dựng chính sách thu hút đầu tư bảo đảm hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của Tỉnh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của Tỉnh, các khu, điểm du lịch, hệ thống điểm dừng chân, bãi đỗ xe; giao thông kết nối giữa 4 vùng trong không gian phát triển du lịch, khu du lịch, điểm du lịch...

Hai là huy động tổng hợp nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình; đường ven biển tỉnh Quảng Bình và cầu Nhật Lệ 3; đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối cửa khẩu với cảng biển; nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La; tuyến đường du lịch Đồng Hới - Phong Nha; hạ tầng cho các tuyến đường thủy Nhật Lệ - Long Đại và tuyến sông Gianh - sông Son... Tạo hành lang giao thông du lịch thân thiện với môi trường từ Đồng Hới đi Phong Nha, bao gồm phân vùng khu vực quanh trục đường chính (đường Hồ Chí Minh) để phát triển ngành công nghiệp nặng (ví dụ: khai khoáng, hóa chất…).

Ba là đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đủ điều kiện công nhận và trở thành động lực phát triển du lịch của Tỉnh. Thu hút đầu tư phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bảo đảm cân bằng giữa tính bền vững về mặt môi trường, sinh thái và sự phát triển kinh tế trong khu vực gồm: các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; các sản phẩm khám phá, trải nghiệm Phong Nha - Kẻ Bàng từ trên cao; công viên chủ đề; các sản phẩm tham quan, thám hiểm hang động; mô hình nhà trên cây và thiết kế không gian công cộng tại Phong Nha; phát triển tuyến xe đạp trong Phong Nha - Kẻ Bàng.

Bốn là thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú mới hiện đại, đồng bộ với nhiều phân khúc khác nhau từ cao cấp đến các loại hình mới như bãi cắm trại, khách sạn nổi… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để tăng số lượng phòng, nâng cao khả năng phục vụ khách, phù hợp với đặc điểm địa hình của từng vùng du lịch: khách sạn, resort cao cấp ở vùng TP. Đồng Hới và khu vực ven biển; khu du lịch sinh thái tại Phong Nha - Kẻ Bàng và trung tâm du lịch phía Nam của Tỉnh…

Năm là thu hút đầu tư hạ tầng du lịch để ứng phó với tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu kết hợp phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết; các làng du lịch nông thôn tiêu biểu theo mô hình của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); các mô hình phát triển xanh, du lịch bền vững của ASEAN...

Để thực thi kế hoạch dài hạn và tổng thể, nâng tầm sự phát triển của Quảng Bình, xin ông cho biết, lượng vốn cần thiết là bao nhiêu và Tỉnh có kế hoạch huy động như thế nào?

Trên cơ sở tính toán, dự báo các phương án phát triển trong thời kỳ 2021 - 2030, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình xác định tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cả thời kỳ khoảng 335 - 440 nghìn tỷ đồng (135 - 140 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 và 200 - 300 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030). Trong đó, vốn từ hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục là hai nguồn đầu tư chính, đóng góp tổng cộng khoảng 81% tổng nhu cầu vốn. Cụ thể, vốn từ hộ gia đình đóng góp khoảng 44% tổng nhu cầu vốn; vốn từ doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 37%; vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 14%; 5% còn lại là vốn vay, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và các nguồn khác. Như vậy, nhu cầu thu hút đầu tư cho phát triển trong thời gian tới của Tỉnh là rất lớn.

Do đó, trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư. Cụ thể là huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh và Trung ương; huy động nguồn vốn từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn; thực hiện cơ chế công tư kết hợp dưới nhiều hình thức; huy động vốn từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu Covid-19; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng; xây dựng các yếu tố đảm bảo chất lượng cuộc sống tại TP. Đồng Hới nhằm thuyết phục được nhà đầu tư định cư tại Quảng Bình…

Sau Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư mới đây, xin ông chia sẻ thông tin về sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hoạt động đầu tư vào Quảng Bình?

Hội nghị công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2023 tổ chức tại TP. Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nhằm công bố rộng rãi nội dung của Quy hoạch, đồng thời tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Quảng Bình đến gần với nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư và các hiệp hội đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình; đồng thời mong muốn đến Quảng Bình để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các đại biểu cũng khẳng định, Hội nghị là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư của Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay. Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 29 nhà đầu tư/32 dự án và khu vực quan tâm đầu tư với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

Sau Hội nghị, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đến tìm hiểu và khảo sát các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh phù hợp với tiềm năng và chủ trương kêu gọi đầu tư của chúng tôi. Một số doanh nghiệp trong nước khảo sát, tìm hiểu đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài như: Công ty AMBARtec (CHLB Đức) tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị lưu trữ năng lượng Hydrogen; Công ty VIDAXL (Hà Lan) tìm hiểu đầu tư nhà máy sản xuất nội thất; Công ty TNHH HTCTECH (Đài Loan) tìm hiểu các dự án sản xuất thiết bị vệ sinh đa dụng và vật liệu cách âm ngành xây dựng; Công ty TNHH MM Mega Market (Thái Lan) tìm hiểu đầu tư dự án trung tâm thương mại; Liên minh Phát triển công nghiệp carbon thấp (Hồng Kông) với hơn 100 doanh nghiệp thành viên có kế hoạch khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp, khu công nghiệp…

Với sự lan tỏa sau Hội nghị, thời gian tới Quảng Bình sẽ đón nhận những nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn đầu tư các dự án trên địa bàn Tỉnh, góp phần đưa Quảng Bình đột phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chuyên đề