Trong số hơn 10 triệu lao động nông nghiệp thì có tới 97% không được đào tạo nghề. Ảnh: Ngọc Minh |
Tăng trưởng bấp bênh
Giai đoạn 2011 - 2015, ngành nông nghiệp - một trong ba trụ cột của nền kinh tế - đặt kế hoạch tăng trưởng 2,6 - 3%. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP (5,9%). Nhưng điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng rất bấp bênh, từ mức 4,23% năm 2011 giảm xuống còn 2,92% năm 2012 và 2,63% năm 2013. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt mức 3,44%, đến năm 2015 lại tụt xuống còn 2,14%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chung GDP liên tục cải thiện kể từ năm 2012.
Ngành nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong nhiều mặt hàng, như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, sản phẩm thủy sản, hải sản… Nhưng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tăng trưởng xuất khẩu của ngành nông nghiệp 5 năm vừa qua chỉ đạt bình quân 9%/năm - thấp hơn rất xa so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nền kinh tế (bình quân đạt 17,5%/năm). Ngay như năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chỉ tăng 0,2% so với năm 2014 (đạt 30,45 tỷ USD).
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ khá nhiều hạn chế như khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số ngành hàng, sản phẩm chưa cao; đổi mới tổ chức sản xuất chậm; công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu… Ông Doanh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém kể trên. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư cho ngành rất hạn chế (chỉ chiếm 5,2% vốn đầu tư toàn xã hội) và trình độ lao động ở khu vực này rất thấp khiến năng suất lao động thấp (hiện mới đạt 30 triệu đồng/người, bằng 37,8% năng suất lao động bình quân toàn xã hội)…
Trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, đặc biệt là thiên tai, hạn hán, bão lũ, ngập mặn, nước biển dâng mỗi năm một khốc liệt và thị trường nông sản thế giới chưa nhìn rõ tương lai phục hồi trở lại, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020 khá khiêm tốn: Tốc độ tăng trưởng 2,5 - 3%; năng suất lao động đạt 40 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 39 - 40 tỷ USD. Trong đó, năm 2016 mục tiêu đặt ra tương ứng là tăng trưởng 3%; năng suất lao động đạt 32 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD.
Đau đáu với tam nông
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, trước sự khó khăn của tam nông không khỏi khiến ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đau đáu trước thực trạng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Thiếu vốn đã trở thành phổ biến với hầu hết hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách của Nhà nước. Thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Lao động nông nghiệp chiếm tới 47% lực lượng lao động nhưng chỉ có năng suất bằng khoảng 1/3 so với lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Xuất khẩu nông sản không ổn định, giá cả và chất lượng bấp bênh.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế kể trên, nhưng nguyên nhân cơ bản là trong số hơn 10 triệu lao động nông nghiệp thì có tới 97% không được đào tạo nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh này, cộng với tình trạng “đói vốn” triền miên, diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún thì khả năng chịu rủi ro rất thấp, thoát nghèo sau đó trở lại nghèo rất dễ dàng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Ông cũng đồng thời chỉ ra rằng, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, mặc dù chậm hơn so với công nghiệp và dịch vụ, cần phải liên kết nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn dưới mô hình HTX.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để phát triển nông nghiệp tương xứng với vai trò, vị trí trong nền kinh tế, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và DN với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị tăng cao trên cơ sở định hướng được thị trường đầu ra, đảm bảo được số lượng và chất lượng ổn định.
“Đây là việc mà nông dân không thể tự làm được, cần phải có DN kết hợp vào. Khó khăn trong việc liên kết ban đầu giữa DN và người dân là lòng tin của hai bên, làm sao để đảm bảo DN sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra khi giá xuống thấp cũng như làm sao để người dân đảm bảo cung cấp đủ số lượng cho DN khi giá trên thị trường tăng, trên cơ sở hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm? Câu trả lời là cần có người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên”, ông Nguyễn Văn Cảnh đề xuất. Và người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho DN và nông dân thực hiện đúng cam kết, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, không ai khác chính là HTX.