Các quy định pháp luật không thống nhất tạo ra tình trạng trùng lặp thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí và gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều điểm chồng chéo
Theo VCCI, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đang có sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Hiện một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư 1 lần, trong khi một số địa phương khác lại yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện 2 lần. Nguyên nhân là do sự khác nhau về phân loại dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Một số quy định pháp luật không thống nhất với nhau khiến cho các đơn vị lúng túng trong việc áp dụng. Điển hình về lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Hay như thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Thực tế, có nơi thực hiện trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, có nơi thực hiện sau, có nơi lại lồng ghép vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.
Còn đối với thủ tục đánh giá tác động môi trường, Luật Bảo vệ môi trường quy định, đây là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, trong khi Luật Đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về thủ tục này, trên thực tế, việc nhà đầu tư chưa biết mình có được lựa chọn làm nhà đầu tư hay không mà phải bỏ trước một khoản tiền lớn để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là khó khả thi vì có thể sẽ tạo rủi ro về chi phí cho nhà đầu tư.
Thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thời gian thẩm định và cơ quan tiếp nhận hồ sơ giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai cũng bất nhất. Luật Đầu tư quy định thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất là thời điểm thẩm định hồ sơ đầu tư, thế nhưng Luật Đất đai lại quy định văn bản thẩm định được lập trên cơ sở hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Quy định này được hiểu là việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất được tiến hành trong giai đoạn thực hiện việc giao đất, cho thuê đất...
Sự chồng chéo này, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, tạo ra tình trạng trùng lặp thủ tục, tốn kém thời gian, nặng gánh chi phí và gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Đặc biệt, bộ máy Nhà nước thực thi nhiều nơi đang đình trệ, phổ biến tâm lý sợ rủi ro, sợ sai.
5 giải pháp tháo gỡ
Để khắc phục và tháo gỡ triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật, VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện 5 giải pháp.
Một là, tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện về tình trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể, lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật đã có trong chương trình kỳ họp tới. Từ đó, Chính phủ cần ban hành nghị quyết để định hướng sửa đổi chung.
Hai là, chỉ đạo việc phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo các đạo luật liên quan tại các bộ, ngành đang được Chính phủ giao, nhất là các dự thảo luật đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…
Ba là, đề nghị triển khai theo cách thức dùng 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… để rút ngắn thời gian và tháo gỡ ách tắc đối với những văn bản khác chưa giải quyết được trong các luật đã nằm trong chương trình sửa đổi.
Thứ tư, cần có một tổ chức, đơn vị độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật. Mục đích là để hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành.
Thứ năm, các bộ, ngành nên tách nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật khỏi đơn vị đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép.
Trước những ý kiến nêu trên của VCCI, sau Phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư và kinh doanh.