Cần sự đồng lòng của ngân hàng trong việc thực hiện đề xuất giảm ngưỡng bắt buộc giao dịch không tiền mặt. Ảnh: Lê Tiên |
Cục Thuế TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét quy định các tổ chức áp dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt với tất cả các giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán để hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, với giá trị giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên, các tổ chức phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là ngưỡng đã được áp dụng từ năm 2009 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, ngưỡng 20 triệu đồng đã được áp dụng giữa các tổ chức từ lâu, không còn phù hợp với thực tế thanh toán hiện nay và cần giảm xuống, có thể xuống mức 5 triệu đồng.
Ông Được cho rằng, giảm mức bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt vừa có tác động tích cực với nền kinh tế nói chung, vừa khá thuận lợi trong điều kiện hiện nay song cũng gặp một số khó khăn. Cách làm này phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, góp phần minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế, lại rất thuận lợi khi hạ tầng kỹ thuật thanh toán ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác đã phát triển khá tốt, ý thức và thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp đã nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, điểm trở ngại là nhiều giao dịch trong nền kinh tế ở mức rất nhỏ, dù ngân hàng đã giảm phí giao dịch nhưng vẫn còn cao. Do đó, theo ông Được, cần có sự đồng lòng của ngân hàng trong việc thực hiện đề xuất giảm ngưỡng bắt buộc giao dịch không tiền mặt, cụ thể là tiếp tục giảm phí và thuận lợi hóa giao dịch ngân hàng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt là đúng đắn và cần thiết cho giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên, việc quy định tất cả các giao dịch của doanh nghiệp, bất kể giá trị bao nhiêu đều không được sử dụng tiền mặt là không hợp lý, vì không thuận tiện cho doanh nghiệp khi thanh toán những giao dịch có giá trị nhỏ, đặc biệt ở những địa bàn có hạ tầng thanh toán chưa phát triển. Ông Đức cho rằng, thay vì quy định tất cả các giao dịch đều thanh toán không dùng tiền mặt, có thể giảm ngưỡng này từ 20 triệu đồng xuống 15 triệu đồng rồi dần dần xuống 10 triệu đồng theo lộ trình phù hợp.
Bên cạnh đó, vị luật sư này đề xuất có thể thêm quy định về ngưỡng giao dịch mua bán của mọi cá nhân, chẳng hạn 50 triệu đồng trở lên, thì phải thanh toán không dùng tiền mặt. Việc này sẽ góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được, cần sự phối hợp giữa các bên có liên quan như hạ tầng thanh toán, ngân hàng, phát triển chính phủ điện tử…
“Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân hiện nay đều muốn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi cách thức thanh toán đó tiện dụng. Có thể quan sát thấy rõ điều này tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hiệu… Do đó, không hẳn người dân và doanh nghiệp chưa ý thức, mà vấn đề là nâng tính tiện dụng của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì tự khắc doanh nghiệp và người dân sẽ muốn dùng”, ông Đức nói.
Đồng tình với đề xuất cần quy định ngưỡng giao dịch của cá nhân bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt, ông Được cho rằng, có thể đặt ngưỡng 50 triệu đồng cho giao dịch giữa cá nhân với cá nhân và mức 5 triệu đồng đối với giao dịch giữa cá nhân với tổ chức. Cách thức này giúp tránh tình trạng gian lận thuế, đồng thời giúp Chính phủ quản lý được các dòng tiền trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.