Giá cao su thấp ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Tín hiệu này chưa đủ mang đến tin vui trong dài hạn cho ngành cao su. Theo một số chuyên gia, giá cao su thế giới vẫn đang “ngụp lặn” ở vùng đáy và cần nhiều thời gian để trở lại thời hoàng kim.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1 trong 7 tập đoàn kinh tế của cả nước với nhiệm vụ trồng, chế biến, kinh doanh cao su và các sản phẩm liên quan. Với diễn biến giá cao su bất lợi, tập đoàn này đã và đang hứng chịu những hậu quả nặng nề.
Một nửa lợi nhuận đến từ hoạt động khác
Năm 2015, VRG lãi hợp nhất trước thuế 2.474 tỷ đồng, giảm hơn 510 tỷ đồng so với kết quả thực hiện năm 2014. Đáng chú ý, có tới 1.219 tỷ đồng lợi nhuận của VRG đến từ hoạt động khác. Hoạt động khác của VRG chủ yếu đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ…
Năm 2015, giá bán cao su của VRG ở mức 30,53 triệu đồng/tấn. Dự báo giá cao su của VRG năm 2016 tỏ ra không mấy khả quan khi chỉ ở mức 26 - 26,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, diễn biến tương đối tích cực của giá cao su trong ngắn hạn giúp VRG có cái nhìn lạc quan hơn về tình hình thực hiện kế hoạch năm nay. Cụ thể, sau nửa năm, giá cao su thực tế đã dao động xung quanh mức 28 - 28,5 triệu đồng/tấn, vẫn thấp hơn so với con số thực hiện năm 2015.
Mặc dù đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.986 tỷ đồng, VRG ước đạt 2.085 tỷ đồng năm 2016, giảm 15,7% so với kết quả thực hiện năm 2015. 6 tháng đầu năm, VRG báo lãi trước thuế hợp nhất 893,7 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, nửa cuối năm 2016 Tập đoàn ước đạt 1.192 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất từ VRG, đầu tháng 10 này Tập đoàn đã chào bán thành công trọn lô 110,86 triệu cổ phần các công ty thủy điện với số tiền thu về 1.416 tỷ đồng, cao hơn 1,7 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Số tiền này sẽ đóng góp vào lợi nhuận đạt được nửa cuối năm nay của Tập đoàn. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của VRG không chỉ rõ giá vốn cũng như dự phòng (nếu có) của các khoản đầu tư này, do đó chưa thể tính toán được lợi nhuận/thua lỗ của Tập đoàn khi thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy điện.
Được biết, nỗ lực thoái vốn ngoài ngành của VRG nhằm chuẩn bị cổ phần hóa công ty mẹ - dự kiến thực hiện vào quý I năm sau.
Dấu hỏi về hiệu quả đầu tư
RFC là công ty tài chính làm ăn thua lỗ trầm trọng năm 2014 (lỗ 1.775 tỷ đồng) với gánh nặng nợ xấu được đánh giá là “khó nuốt”. Trong 2 lựa chọn cho phá sản và sáp nhập vào VRG, cuối cùng quyết định sáp nhập đã được thông qua. Cũng nhờ việc sáp nhập này, VRG được hoàn nhập 1.083 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng. Loại bỏ những biến động (nếu có) của các khoản đầu tư khác, việc sáp nhập với RFC đã khiến VRG lỗ ròng khoảng 692 tỷ đồng. Một tín hiệu tốt ở động thái này là những khoản lỗ từ RFC từ năm 2016 trở đi có thể coi như dừng lại.
Không thuyết minh cụ thể, tính đến cuối năm 2015 VRG phải trích lập 1.414 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Ngoài ra, Tập đoàn cũng trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 143 tỷ đồng trên tổng số 166,7 tỷ đồng giá trị chứng khoán kinh doanh. Như vậy, gần như toàn bộ chứng khoán kinh doanh của VRG đã được trích lập dự phòng.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2015, VRG có 412 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn. VRG cho biết Tập đoàn chưa có kế hoạch bán các khoản đầu tư này. Chính vì vậy, chất lượng các khoản đầu tư của VRG vẫn chưa có cơ hội được kiểm chứng.