Tạo nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Do nguồn lực hạn chế, đến nay các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa tận dụng được các cơ hội từ hội nhập. Việc tạo nguồn lực và cơ hội phát triển cho khối DN này vẫn là bài toán nan giải.
Kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng trong năm 2015 của Việt Nam lên tới 54 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng trong năm 2015 của Việt Nam lên tới 54 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Mới cung ứng 10% nhu cầu nội địa

Theo thống kê mới đây của Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, đến nay các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đã đáp ứng 30 - 35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng, 40% cho ô tô và xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ linh kiện của DN nội cung ứng cho các lĩnh vực khác khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dùng cho công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương nhận xét, khả năng cạnh tranh của DN CNHT Việt Nam vẫn còn thấp, trong khi nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.

Thực tế, do nguồn vốn hạn chế, phần lớn DN CNHT trong nước vẫn dừng ở quy mô nhỏ, chủ yếu chỉ làm gia công. Hầu như chưa có DN nào đủ sức tự chế tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành CNHT và cho ngành cơ khí, luyện kim. Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng trong năm 2015 của Việt Nam đã đạt khoảng 54 tỷ USD (chỉ riêng linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử khoảng 21 tỷ USD; linh kiện điện thoại đạt khoảng 10 tỷ USD).

Những bất cập này khiến việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020 của Bộ Công Thương vấp phải không ít khó khăn. Nhất là theo mục tiêu của quy hoạch này thì trong 5 năm tới, sản xuất CNHT phải đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 DN CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam; về giá trị sản xuất công nghiệp, phải chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Chính sách cần đồng bộ

Do nguồn lực vốn hạn chế, phần lớn doanh nghiệp CNHT trong nước vẫn dừng ở quy mô nhỏ, chủ yếu chỉ làm gia công
Giới chuyên gia lưu ý, muốn xây dựng một đội ngũ DN CNHT lớn mạnh, đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp..., đòi hỏi cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này.

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ ngành CNHT phải đặt trong chiến lược tổng thể chung của quốc gia về phát triển DNNVV và không thể tách rời các chính sách chung về phát triển DNNVV.

Vì vậy, ông Lê Anh Văn đề nghị, trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần làm rõ thêm những nội dung hỗ trợ, cũng như có tính thống nhất với các luật khác trong lĩnh vực CNHT. Cụ thể là những nội dung chính sách hỗ trợ DNNVV và chính sách hỗ trợ DN CNHT, phân bổ nguồn lực ngân sách dành cho hỗ trợ DNNVV và CNHT. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất và khả thi khi thực hiện các chính sách về hỗ trợ DN.

Cũng theo khuyến nghị của đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nên đưa chương trình phát triển CNHT vào Luật Hỗ trợ DNNVV để khuyến khích các DNNVV tham gia vào các ngành, lĩnh vực CNHT để thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá, hạn chế nhập khẩu.

Bên cạnh những giải pháp tổng thể, giới chuyên gia đề nghị, cần có những tổ chức tài chính mạnh đồng hành với các DN trong lĩnh vực này để tăng sức cạnh tranh, từ đó dần định hình những mặt hàng trọng điểm mà chúng ta có thế mạnh và phát triển thành những sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Chuyên đề