Thủy sản là ngành hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan EVFTA cao, trên 70%. Ảnh: Lê Tiên |
3 kịch bản tác động của Covid-19 tới EVFTA
Tính đến tháng 12/2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 51,3 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 35,96 tỷ USD, tăng 12,6% và nhập khẩu đạt 15,34 tỷ USD, tăng 16,6%. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm 2020. EVFTA được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) được tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang có tác động nhiều chiều tới hiệu quả của Hiệp định. Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổng hợp, nghiên cứu của NCIF cho thấy, một số ngành có xuất khẩu gia tăng nhanh do tắc nghẽn nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên cũng rất nhiều ngành đang chịu ảnh hưởng tiêu cực. Từ năm 2020 đến nay, 30% số doanh nghiệp (DN) thiếu nguyên liệu đầu vào với mức thiếu hụt trung bình khoảng 50,5% nhu cầu; thị trường tiêu thụ trong nước của khoảng 64,3% số DN bị thu hẹp, 48,2% số DN xuất khẩu gặp khó khăn, 51% DN bị giảm lượng đơn hàng mới, 3% DN bị hủy đơn hàng.
Tiến hành đánh giá định lượng, NCIF đưa ra 3 kịch bản tác động của EVFTA tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam (khi có hay không có Covid-19). Trong đó, kịch bản cơ sở là trong bối cảnh không có dịch bệnh Covid-19; kịch bản 1 là khi Covid-19 kết thúc/được kiểm soát vào năm 2022; kịch bản 2 là khi Covid-19 kết thúc/được kiểm soát năm 2023 và kịch bản 3 là khi Covid-19 kết thúc/được kiểm soát năm 2025.
Theo đó, khi không có Covid-19, EVFTA giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1 điểm % vào năm 2022 và mức độ tăng dần là 1,63 điểm % (năm 2023), lũy kế đạt 2,4 điểm % vào năm 2025. Tuy nhiên, khi có Covid-19, tác động của EVFTA tới GDP của Việt Nam sẽ giảm 0,45 điểm % (theo kịch bản 1) so với kịch bản cơ sở; giảm 0,5 điểm % (theo kịch bản 2) và giảm 0,62 điểm % (theo kịch bản 3).
Riêng về xuất khẩu, trong trường hợp không có Covid-19, xuất khẩu có thể tăng thêm 9,1 điểm % đến năm 2025 nhờ Hiệp định. Trong trường hợp còn dịch Covid-19, mức tác động giảm xuống còn gần 8 điểm % (kịch bản 1); 7,5 điểm % (kịch bản 2) và 7,2 điểm % (kịch bản 3). Thậm chí tới năm 2030, dịch Covid-19 có thể làm giảm tác động xuất khẩu của EVFTA trong khoảng từ 1,37 điểm % - 2,35 điểm % tùy mức độ, diễn biến kéo dài của đại dịch.
Nâng cao khả năng thích ứng
Đánh giá về kết quả xuất nhập khẩu của DN, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các DN đã nắm bắt và tăng dần sử dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR. 1) khi xuất khẩu sang EU tăng từ 15,1% (từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết năm 2020) lên 22,5% (7 tháng đầu năm 2021), tương ứng giá trị xuất khẩu tăng từ 2,35 tỷ USD lên 5,15 tỷ USD. Các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan EVFTA cao trên 70% là giày dép, hàng thủy sản; từ 50 - 70% gồm các ngành hàng rau quả, dây cáp điện, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc…
Song TS. Nguyễn Thị Thu Trang cảnh báo, trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, sẵn sàng mở cửa để phát triển, DN sẽ phải lường trước các yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc tận dụng EVFTA hay các FTA khác trong dài hạn.
Một số thách thức được chỉ rõ như: dịch bệnh vẫn còn là nguy cơ tiềm ẩn, căng thẳng kéo dài; khủng hoảng logistics kéo dài trong 2 năm qua đã và sẽ tiếp tục đe dọa các chuỗi cung ứng hàng hóa; thách thức từ giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu. Mấy ngày gần đây, xung đột tại Ukraine làm dấy lên nhiều dự báo về giá dầu tăng…, đây sẽ là yếu tố tác động mạnh tới việc tận dụng EVFTA của DN trong thời gian tới.
“Việc đầu tiên là DN phải tự mình khắc phục những hạn chế trong năng lực cạnh tranh về khả năng đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại; các thách thức như “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với xuất khẩu thủy sản, gỗ hợp pháp; khả năng thích ứng với các biến động của thị trường và diễn biến dịch…”, bà Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, hỗ trợ từ các cơ quan có liên quan đối với DN là điều cần thiết. Ở góc độ này, DN mong nhận được các hỗ trợ về phổ biến, tư vấn cho DN chuyên sâu hơn về thị trường; xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia, đối với từng nhóm sản phẩm mạnh của Việt Nam; thúc đẩy thương mại điện tử; thúc đẩy và có các chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, chuyển đổi số…