Sửa đổi Luật Dược 2016: Hạn mức đầu tư nào được ưu đãi đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Dược năm 2016 đã có quy định về hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược nhưng còn chung chung, điều kiện để dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đặc biệt quá cao so với năng lực thực tế nên không khả thi và khó tiếp cận.
Dự thảo Luật Dược sửa đổi đề xuất dự án mới lĩnh vực dược có vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ đầu tư đặc biệt, một số đại biểu Quốc hội đề xuất từ 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Dược sửa đổi đề xuất dự án mới lĩnh vực dược có vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ đầu tư đặc biệt, một số đại biểu Quốc hội đề xuất từ 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV ngày 22/10 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần xác định hạn mức phù hợp, dễ tiếp cận hơn để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, ngành dược là ngành được ưu đãi đặc biệt trong đầu tư. Trên cơ sở tiếp thu 81 ý kiến thảo luận tại tổ, hội trường và 5 văn bản góp ý, Dự thảo Luật quy định cụ thể về 3 nhóm lĩnh vực được hưởng ưu đãi đặc biệt. Một là, nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước; dược chất; thuốc mới; thuốc biệt dược gốc; thuốc hiếm; thuốc generic đầu tiên; thuốc công nghệ cao; vắc xin; sinh phẩm; thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương. Hai là, nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao. Ba là, nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đại diện cơ quan thẩm tra của Quốc hội, việc lựa chọn quy mô dự án đầu tư ở mức nào để được hưởng hỗ trợ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án về cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược. Phương án 1, cho phép áp dụng với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Cơ chế này nhằm tạo giải pháp đột phá và tăng tính khả thi của chính sách ưu đãi.

Phương án 2 đề nghị giữ nguyên quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư là áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).

Tại phiên thảo luận ngày 22/10, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, để được hưởng ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư là rất khó, bởi lĩnh vực ưu tiên phát triển ngành dược rất hẹp. Việc đòi hỏi quy mô vốn lớn và khả năng giải ngân vốn cao trong 3 năm đầu là không khả thi, cần điều chỉnh lại hạn mức vốn đầu tư và tiến độ giải ngân cho phù hợp với thực tế và thực lực của doanh nghiệp.

ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội xem xét quy định quy mô dự án được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt từ 1.000 tỷ đồng và mức giải ngân 300 - 400 tỷ đồng trong 3 năm đầu. “Hạn mức này là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của ngành dược hiện nay, cũng như có tính khả thi cao, cân bằng, tạo động lực phát triển trong mối tương quan giữa ngành dược và các ngành nghề khác. Việc điều chỉnh hạn mức vốn đầu tư để được hưởng ưu đãi đặc biệt là có cơ sở pháp lý, vì khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư quy định, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”, ông Cường nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, quy mô dự án chỉ nên quy định từ 1.000 tỷ đồng trở lên và mức giải ngân 500 tỷ đồng trong 3 năm đầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá: “Nếu quy định ở mức chung là 30.000 tỷ đồng thì không có dự án nào của ngành dược tiếp cận được, bởi hiện nay dự án cao nhất cũng chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng, chủ yếu ở mức dưới 300 tỷ đồng, chiếm 76,63%. Để đạt được mức 3.000 tỷ đồng như đề xuất tại Dự thảo Luật, chúng ta cũng phải phấn đấu. Cho nên, cần thiết phải có một chính sách ưu đãi cụ thể hơn quy định của Luật Đầu tư, để ngành dược có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn”.

Chuyên đề