Trung tướng Trần Văn Vệ.Ảnh: Bá Đô |
Trung tướng Trần Văn Vệ (quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) giải đáp những thắc mắc về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú do Bộ Công an quản lý.
- Vì sao Chính phủ có chủ trương thay đổi phương thức quản lý sổ hộ khẩu giấy sang sổ hộ khẩu điện tử thông qua mã số định danh?
- Công tác quản lý dân cư hiện nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Để phục vụ mục tiêu chung quản lý nhà nước, các cơ quan này đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Vì thế, một công dân có thể sở hữu rất nhiều giấy tờ khác nhau, với những mã số khác nhau.
Hơn nữa, hình thức quản lý dân cư mới dừng lại ở việc thủ công, lạc hậu, do vậy thông tin chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác dùng chung. Công dân đi làm thủ tục sẽ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, gây phiền hà và lãng phí.
Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2013, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, liên quan đến quản lý dân dư. Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến tới bỏ các loại giấy tờ sở dụng giấy như hiện nay.
- Việc quản lý sổ hộ khẩu điện tử sẽ thế nào?
- Khi hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, mỗi người sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân. Mã số này được in trên thẻ căn cước, khi đi làm các giao dịch, mua bán, đăng ký xe máy, ôtô, khai sinh... Người dân sẽ không phải mang cả đống giấy tờ đi nữa mà chỉ cần có thẻ này để cán bộ đối chiếu. Chỉ mất 18 giây là tra ra kết quả dữ liệu về người đó.
Phương thức này thay đổi hoàn toàn cách quản lý như hiện tại, tức là từ thủ công sang điện tử.
Tôi xin giải thích lại là không có việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Phương án của Chính phủ đưa ra là sẽ tiến tới bỏ phương thức quản lý sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay, thay vào đó là áp dụng công nghệ thông tin để quản lý. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh thư vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.
Bản thân các quốc gia khác trên thế giới họ vẫn không bỏ sổ hộ khẩu mà họ áp dụng sớm phương thức quản lý qua mạng điện tử.
- Bao giờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn tất?
- Chúng tôi đang làm và thí điểm ở 16 địa phương, tiến tới năm 2020 sẽ hoàn thiện trên cả nước về dữ liệu này. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội để bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên quá trình xây dựng gặp khá nhiều khó khăn, cần tới 3.000 tỷ đồng để xây dựng với nhiều giai đoạn khác nhau.
Dù thế nào đi nữa nếu muốn hiện đại hoá và giảm bớt thủ tục hành chính và tiến tới cộng nghệ hoá phương thức quản lý, chúng ta vẫn phải quyết tâm làm.
Cơ sở dữ liệu quốc gia là việc tập hợp thông tin tất cả công dân Việt Nam, được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch cơ quan tổ chức, cá nhân.
Cơ sở dữ liệu này sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu đề xuất lộ trình đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công nhân thông qua việc tra cúu trong cơ sở dữ liệu.
Dữ liệu cư dân được cập nhật thường xuyên;kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc.