Quy hoạch điện VIII “kích” vốn đầu tư ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thiếu nguồn lực tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ đầu tư các dự án điện theo quy hoạch. Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020 sẽ xây dựng cơ chế tài chính thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.
Nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện trung bình mỗi năm khoảng 8 - 10 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện trung bình mỗi năm khoảng 8 - 10 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Khó huy động vốn đầu tư

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. “Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60% so với quy hoạch”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện phát triển chưa đồng bộ.

Trước nguy cơ thiếu điện, vừa qua, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện.

Về nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, một phần là do huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8 - 10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều eo hẹp về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay như bảo lãnh chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ…

Đồng tình với đánh giá của Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ: “10 dự án điện chậm tiến độ hiện nay, nhất là các dự án Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2…, có một nguyên nhân là thiếu nguồn lực tài chính vì khả năng của các nhà đầu tư, các tập đoàn có hạn, khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng có giới hạn, vay nước ngoài của một số dự án bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ”. Cùng với đó, giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, nên khó có thể thu hút các nhà đầu tư.

Từ thực tế 5 năm gần đây, các tập đoàn năng lượng không khởi công được dự án nào, đại diện Hội Năng lượng mỏ Việt Nam cho rằng, có một nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, đó là chưa có cơ chế thị trường thực sự đối với ngành điện.

Xây dựng cơ chế tài chính thu hút đầu tư

Nhấn mạnh quan điểm năng lượng phải đi trước một bước, phải tạo ra "bánh mỳ cho công nghiệp chứ không thể để công nghiệp thiếu, đói", trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Dự thảo Quy hoạch điện VIII xây dựng cơ chế đặc biệt, hiệu quả về thu xếp tài chính để thực hiện các công trình điện trong quy hoạch phát triển điện lực; phát triển các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án; tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành điện Nhà nước không cần giữ 100% vốn, cũng như tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Về cơ chế giá điện, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng. “Giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, làm cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng như cạn kiệt nguồn năng lượng”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chuyên đề