Việc không quy định cụ thể các vùng trong Luật Quy hoạch là để đảm bảo việc phân vùng sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn. Ảnh: Lê Tiên |
Để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề xuất bổ sung danh mục gồm 25 Bộ luật và luật liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch.
Sửa đổi để đảm bảo khả thi và hiệu lực
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quy hoạch trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua rà soát, UBTVQH xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ luật và Luật tại Phụ lục 2 của Dự thảo Luật Quy hoạch. Việc sửa các quy định liên quan đến quy hoạch tại 25 Bộ luật và Luật này về cơ bản liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, do vậy, kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa.
“Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, Khoản 4 Điều 70 của Dự thảo Luật giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 01/01/2019. UBTVQH cũng đã chỉ đạo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm hiệu lực trong thực thi Luật ” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chính phủ chịu trách nhiệm phân định vùng để lập quy hoạch
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, một trong những nội dung khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn là Dự thảo Luật chưa quy định rõ vùng nào phải lập quy hoạch và quy hoạch vùng đó là quy hoạch gì.
Liên quan đến vấn đề này, theo lý giải của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc phân định các vùng phụ thuộc vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong từng thời kỳ, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, vùng hiện nay không phải là 1 cấp hành chính. Vì vậy, việc không quy định cụ thể các vùng ngay trong Luật là để đảm bảo việc phân vùng sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn phát triển và tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Do vậy, Dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ chịu sự điều chỉnh của cả Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó, các quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ liên quan đến việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
Cũng theo nhận định của đa số đại biểu, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, song Dự thảo Luật lần này đã làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi thực hiện. Do đó, một số đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ thông qua Luật Quy hoạch tại Kỳ họp này để chuẩn bị cho Chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là dự án Luật khó. Theo Bộ trưởng, về quy trình lập quy hoạch, không thể một cơ quan hay tổ chức nào, mà phải nhiều bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lập quy hoạch. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp thì nếu quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.