Nhiều nhà đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng, thực chất vẫn là vốn nhà nước, để thực hiện dự án PPP. Ảnh: Hoài Tâm |
Nhiều quyết định còn cảm tính và dễ dãi
Trong bối cảnh hành lang pháp lý về PPP chưa hoàn thiện, Luật sư Phạm Lê Vinh khuyến nghị, cách tốt nhất để bảo vệ các bên liên quan chính là dựa vào các điều khoản quy định trong hợp đồng như ai sẽ phải bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị “đứt gánh giữa đường”, xác định rõ lỗi thuộc về ai, đoán định những tình huống có thể xảy ra... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các bên chưa chú trọng đúng mức những vấn đề này trong quá trình xây dựng hợp đồng.
Thậm chí, các luật sư cũng phải thừa nhận rằng, có những hợp đồng dài hàng trăm trang, và phải mất bao nhiêu năm để đàm phán, nhưng nếu muốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể “ra mệnh lệnh” chấm dứt hợp đồng như thường, không tuân thủ một quy định nào của hợp đồng. Vì chịu nhiều sức ép từ các bên về các trạm thu giá BOT giao thông, thời gian qua, một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra mệnh lệnh hành chính đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách đầy cảm tính, không căn cứ trên hợp đồng đã ký kết.
Một nhà đầu tư đã nằm trong tình cảnh này bùi ngùi chia sẻ, họ thường chỉ biết ấm ức, cắn răng chịu đựng, bởi họ nghĩ nếu kiện ra tòa, dù thắng hay thua thì cũng khó có đất dung thân để tiếp tục làm ăn tại Việt Nam. Trong mối quan hệ này, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đang là người phải chịu lép vế vì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ví là “người khổng lồ”, còn doanh nghiệp chỉ như “người tí hon”.
Từ việc rà soát các dự án PPP ngành giao thông thời gian qua, theo Luật sư Phạm Lê Vinh, nhiều ngân hàng đã quyết định cho vay vốn khá dễ dãi đối với một số dự án không có tính khả thi. Trong nhiều dự án, nhà đầu tư lại sử dụng chính vốn vay ngân hàng mà thực chất vẫn là vốn nhà nước để thực hiện dự án. Điều này trái với mục đích ban đầu của hình thức PPP là kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân, bù đắp cho tình trạng thiếu hụt ngân sách, không có vốn để đầu tư công.
“Với những rủi ro tiềm ẩn đó, nguy cơ xảy ra nợ xấu của các dự án PPP là rất lớn, có thể chỉ trong khoảng 5 - 10 năm tới”, Luật sư Phạm Lê Vinh nhận định.
Cần một hành lang pháp lý rõ ràng
Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP theo hình thức nào thì phù hợp hơn, có ý kiến “kêu” rằng, việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi bị kéo dài, có khi phải mất tới hàng năm, nên chỉ định thầu sẽ nhanh hơn, rút ngắn thời gian thực hiện. Tuy nhiên, theo Luật sư Dương Quang Long - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vina Legal, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả hơn. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ góp phần rút ngắn được thời gian hơn.
Luật sư Phạm Lê Vinh lại cho rằng, thay vì luẩn quẩn trong việc chọn hình thức nào cho phù hợp, thì nên tập trung vào việc làm thế nào cho “đề bài” thật chuẩn, giám sát tốt chất lượng thi công, cẩn trọng trong việc đánh giá các tác động xã hội, chính sách thu phí hoàn vốn, thiết lập mối quan hệ bình đẳng và dung hòa lợi ích của các bên, định giá và chia sẻ rủi ro...
Để có một “đề bài” tốt, một số luật sư có chung đề xuất, nên đấu thầu lựa chọn thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và uy tín. Muốn thực hiện được điều này thì phải có một cơ chế rõ ràng về kinh phí thuê tư vấn, bởi nghiên cứu khả thi một dự án PPP đòi hỏi kinh phí rất lớn, mất nhiều thời gian, công sức.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để các dự án PPP có sức hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, cần thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và công bằng với chính sách ổn định, thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay (chịu sự điều chỉnh bởi 17 luật, 63 nghị định và hơn 100 thông tư có liên quan...).