Phạt vi phạm hợp đồng: Đầu xuôi, đuôi không lọt

Không ít vụ việc, dù ban đầu đã đồng thuận mức phạt vi phạm, nhưng khi xảy ra tranh chấp, có bên tìm cách lẩn tránh và đề nghị bác bỏ lãi suất đã thỏa thuận.
Phạt vi phạm hợp đồng: Đầu xuôi, đuôi không lọt

Hiện tại, pháp luật quy định rằng, mỗi loại hợp đồng khác nhau thì chế định về mức phạt vi phạm cũng sẽ khác nhau.

Điều 422, Bộ luật Dân sự quy định, phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận, được thể hiện ngay trong điều khoản của hợp đồng. Bên vi phạm (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng) có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt do các bên tự thỏa thuận, tức là không bị khống chế mức tối đa. Khi các bên đã thỏa thuận, nhưng không “động” đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên vi phạm sẽ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.

Mỗi loại hợp đồng cụ thể còn được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác nhau. Đối với hợp đồng thương mại, mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Còn trong hợp đồng xây dựng, mức phạt này không vượt quá 12%. 

Nhìn chung, căn cứ theo mục đích của các bên tham gia, hợp đồng được chia thành 2 loại là hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Hợp đồng thương mại được hiểu là giao kết giữa các bên có đăng ký kinh doanh và nhằm mục đích lợi nhuận. Hợp đồng được coi là “luật” đối với các bên tham gia, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật. Do đó, vấn đề đảm bảo quyền lợi giữa các bên là rất quan trọng.

Mặc dù phạt vi phạm là một biện pháp răn đe nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, song để tránh việc các bên có thể thỏa thuận mức phạt “trên trời”, pháp luật (cụ thể là các luật chuyên ngành) đã ấn định giới hạn mức phạt, qua đó giúp hình thức này phát huy được đầy đủ ý nghĩa.

Với hợp đồng thương mại, trong trường hợp không có thỏa thuận, khi xảy ra tranh chấp sẽ áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường.Trong một số vụ việc, theo một vài thông lệ, tòa án áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và Agribank.

Trên thực tế, trong quá trình tố tụng đã xảy ra tình huống: dù ban đầu đã đồng thuận mức phạt vi phạm, nhưng khi xảy ra tranh chấp, có bên tìm cách lẩn tránh và đề nghị bác bỏ lãi suất đã thỏa thuận. Việc tính toán nợ gốc, lãi, phạt… theo đó trở nên phức tạp, khiến vụ việc bị kéo dài.

Đơn cử là vụ việc giữa Công ty TNHH Phú Thắng và CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà (mã SDP, sàn HNX). Trong đơn kháng cáo đệ lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua, Phú Thắng đề cập đến nội dung yêu cầu được chấp nhận khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng (389 triệu đồng) đối với SDP trong hợp đồng ký kết năm 2011.

Lý lẽ được Phú Thắng đưa ra là căn cứ hợp đồng mà hai bên thỏa thuận, trong trường hợp SDP chậm thanh toán sẽ phải chịu lãi phạt 1%/tháng trên số tiền thanh toán (tương ứng 12%/năm). So với số tiền nợ gốc hơn 6 tỷ đồng, số tiền phạt vi phạm là khá khiêm tốn, nhưng vẫn “được” hai bên đưa ra “mổ xẻ”.

Theo Điều 301 Luật Thương mại, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Do đó, SDP cho rằng mức lãi 12%/năm quá cao nên đề xuất mức phạt là 8%.Tuy nhiên, phía Phú Thắng không đồng tình với mức phạt này.

Luật sư Vũ Ngọc Chi, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, ngay từ thời điểm soạn thảo hợp đồng kinh tế, các bên buộc phải dành thời gian xem xét, thống nhất về nội dung và hình thức của hợp đồng. Đồng thời lường trước tình huống sẽ xảy ra và quy định rõ trong hợp đồng để không dẫn đến tranh chấp đáng có. Một điều khá quan trọng đó là nguồn luật điều chỉnh. Các bên cần thỏa thuận để đảm bảo hợp đồng được quy chiếu theo luật nào.

“Để có thể cân đối quyền lợi của các bên cũng như không để bên nào quá thiệt thòi, doanh nghiệp phải có ‘chiều sâu’ hoạt động và sự trải nghiệm mới lường trước khả năng vướng mắc hoặc thời điểm rủi ro”, Luật sư Chi cho hay.            

Chuyên đề