Trong số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có khoảng 35 - 40% doanh nghiệp làm ăn có lãi. Ảnh: Tiên Giang |
Là người từng tham gia kinh doanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op mart), ông đánh giá thế nào về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian vừa qua?
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng DN đánh giá cao và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc so với năm 2014 (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140). Thứ hạng này của Việt Nam liên tục được cải thiện từ năm 2012, và năm 2015 đạt mức tăng bậc nhiều nhất. Còn theo Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 tăng 3 bậc so với năm 2015, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta có sự cải thiện rõ nét trong 2 năm vừa qua, nhưng hiện vẫn đứng ở vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN và với vị trí thứ 56 trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu, và vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực ASEAN, như Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 37) và Philippines (thứ 47).
Phân tích sâu các yếu tố hình thành nên chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có thể thấy, Việt Nam vẫn có những chỉ số được xếp hạng cao như quy mô thị trường (thứ 33), hiệu quả của thị trường lao động (thứ 52). Ngược lại, nhiều chỉ số được xếp thứ hạng khá thấp như thể chế xếp thứ 85, sự phát triển thị trường tài chính thứ 84, trình độ công nghệ thứ 92, tổ chức và quản trị của DN xếp thứ 100… Điều này cho thấy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN còn nhiều hạn chế, thể hiện ở chỗ phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thủ tục phức tạp, chi phí tiếp cận nguồn lực cao dẫn đến chi phí sản xuất cao làm cho giá thành không cạnh tranh được. Hệ quả là cả nước có khoảng 941.000 DN đăng ký, trong khi đó chỉ có 550.000 DN đang hoạt động nhưng tuyệt đại bộ phận là DN nhỏ và vừa.
DN Việt Nam có quy mô vừa nhỏ vừa yếu. Với “thể lực” như vậy, DN có thể cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới?
Luật Đầu tư, Luật DN đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng DN thành lập mới mỗi năm một tăng, nhưng sau một thời gian hoạt động chỉ có khoảng 58 - 60% số DN còn tồn tại; trong số DN đang hoạt động cũng chỉ có khoảng 35 - 40% làm ăn có lãi. Số liệu này đã chứng minh DN nội địa không chỉ nhỏ mà còn rất yếu.
Thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là FTAs thế hệ mới, nhiều người lo ngại tỷ lệ DN “chết yểu” sẽ tăng lên vì không thể cạnh tranh được. Vì vậy, muốn tồn tại, DN phải phát triển bền vững, phải tìm ra được năng lực cạnh tranh cốt lõi, cạnh tranh bằng thế mạnh riêng mà đối thủ không có hoặc không cạnh tranh được.
Rất mừng là trong mấy năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành đã, đang và tiếp tục đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN, tập trung cải cách thể chế để DN tiếp cận nguồn lực với những thủ tục đơn giản và với chi phí thấp nhất. Tận dụng môi trường kinh doanh mới, rất nhiều DN đã tìm ra được thế mạnh, tìm được năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Nhưng năng suất lao động thấp, tiêu hao nhiều năng lượng thì làm sao có thể mạnh được?
Chính vì vậy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 mới đặt ra mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Đặt ra các mục tiêu này đã khẳng định chúng ta quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; từ coi trọng số lượng sang chất lượng tăng trưởng lấy năng suất, hiệu quả làm thước đo.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề, kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.