Ông Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường

Với đa số đại biểu bấm nút đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng vào chiều 6/4.

Với 418 phiếu tán thành, chiếm 84% tổng số đại biểu và 68 ý kiến không đồng ý, căn cứ nội quy kỳ họp, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng. Nghị quyết miễn nhiệm được thông qua ngay sau đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

"Thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao", Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày trong tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng tại phiên làm việc sáng cùng ngày.

Chủ tịch nước đọc tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng

Đánh giá về nhiệm kỳ của Thủ tướng, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng thành công lớn nhất, nổi bật nhất 5 năm qua là Chính phủ, Thủ tướng đã điều hành một cách chủ động, linh hoạt trên cơ sở thực hiện kiên quyết nhiều chính sách về quản lý kinh tế, tài chính, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế ổn định và giá trị tiền tệ, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất...

"Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 5,9%/năm là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn, khủng hoảng và suy thoái trên diện rộng, không ít nước tăng trưởng âm", đại biểu Vẻ dẫn chứng.

Đại biểu Trần Du Lịch thì liệt kê 3 điểm nổi bật của Chính phủ và Thủ tướng: "Kiên trì 3 mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giải quyết vấn đề an sinh xã hội; xây dựng pháp luật, ban hành chính sách đều lấy cơ sở hội nhập như một phương thức để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa; đàm phán thành công các hiệp định song phương thế hệ mới, đặc biệt là TPP trong hoạt động nâng tầm đất nước".

Kinh tế Việt Nam 10 năm qua

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Thủ tướng cũng được cử tri công nhận là "có thái độ kiên quyết trước những hành vi xâm lược của Trung Quốc".

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cho hay bà ấn tượng với sự quyết liệt, kiên trì thể hiện quan điểm, tư tưởng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. "Thái độ của Thủ tướng đã làm nhân dân và cử tri cả nước an tâm hơn, tin tưởng và có thể giảm đi những băn khoăn, lo lắng về tình hình biển đảo nói chung", đại biểu Thoại nói.

Đánh giá cao cố gắng và kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong nhiệm kỳ Chính phủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu.

"Đó là tình trạng kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, bội chi, nợ công cao, năng suất lao động thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Thủ tục hành chính, bộ máy biên chế cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng", ông Cường bày tỏ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường ảnh 2

Ông Nguyễn Tấn Dũng nhận hoa cảm ơn từ Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Giang Huy.

Ví von Thủ tướng đã dẫn dắt con thuyền kinh tế đi trong thác ghềnh, đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng hạn chế lớn nhất là sự thất thoát, lãng phí. Ông dẫn chứng: "Một cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chúng ta đầu tư vào đây 40.000 tỷ nhưng không đồng bộ nên không khai thác được; Làng sinh viên ở Lâm Đồng hàng nghìn tỷ rồi chỉ có một sinh viên; Đường sắt du lịch ở Quảng Ninh 1.000 tỷ, 1 ngày chỉ bán được 1 vé".

Nhắn gửi khóa tới, đại biểu Nguyễn Văn Phúc mong người mới "kế thừa được phong cách và tính cách mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ". Ông cũng kỳ vọng bộ máy Chính phủ sẽ tinh giản đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định.

"Cần phải lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói là cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập", đại biểu Phúc nhấn mạnh.

Cơ cấu Chính phủ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng (67 tuổi, quê tại Cà Mau) từng tham gia quân đội, làm Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

Năm 1981, ông phục viên, kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh Kiên Giang và từ năm 1995 ra Trung ương làm Thứ trưởng Công an.

Năm 1997, ông trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay khi mới 48 tuổi. Giai đoạn 1998-1999, ông kiêm nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng trẻ nhất trong 20 năm.

Tại Đại hội Đảng XII hồi tháng 1 vừa qua, ông cùng 8 Ủy viên Bộ Chính trị không tham gia Ban Chấp hành khóa mới. Người được Trung ương giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư