Nới room, giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ và các cơ quan chức năng đã liên tục chỉ đạo và nới một số chính sách nhằm gỡ khó về vốn cho nền kinh tế trong tháng cuối năm, song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn kêu khó tiếp cận tín dụng. Nhiều ý kiến đề xuất nên chú trọng hơn việc thẩm định phương án kinh doanh thay vì chỉ quan tâm tới tài sản bảo đảm của DN khi quyết định giải ngân khoản vay tín dụng.
Các tổ chức tín dụng vừa có cuộc họp và đi đến đồng thuận giảm lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn xuống không quá 9,5%/năm. Ảnh: Lê Tiên
Các tổ chức tín dụng vừa có cuộc họp và đi đến đồng thuận giảm lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn xuống không quá 9,5%/năm. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng nhằm tạo điều kiện cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các TCTD vừa có cuộc họp và đi đến đồng thuận giảm lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (bao gồm các khoản khuyến mại); 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

VNBA cũng đề nghị các TCTD căn cứ khả năng, năng lực tài chính, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo cam kết với NHNN.

Sau diễn biến chính sách này, phản hồi từ thị trường cho thấy, nhiều DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, cũng có những trường hợp được mời chào vay với lãi suất hợp lý, trên cơ sở tài sản bảo đảm tốt và hợp đồng mua bán hàng hóa có triển vọng lợi nhuận tốt.

Bà Quan Anh Liên, giám đốc một DN thương mại dịch vụ quy mô nhỏ tại Hà Nội cho biết, trong tháng 11, bà có nhu cầu vay vốn nhưng các ngân hàng đều trả lời là hết hạn mức tín dụng. Mới đây, sau khi NHNN có quyết định nới room tín dụng, Ngân hàng TMCP Quân đội đã chủ động liên hệ để cung cấp cho DN của bà khoản vay sản xuất, kinh doanh có tài sản bảo đảm với lãi suất ở mức 9%/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh bởi phải đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng room tín dụng của ngân hàng hạn chế. Hồ sơ vay vốn của DN bị “ngâm” hàng tháng trời mà không được giải ngân mặc dù tài khoản bảo đảm, thế chấp đều sẵn sàng và đầy đủ. Theo ông Hòa, trong bối cảnh nguồn tín dụng hạn hẹp, cơ quan chức năng nên chỉ đạo các ngân hàng phân loại DN để cho vay. Cần ưu tiên cho DN trực tiếp sản xuất, kinh doanh được sớm tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng.

TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, thực tế là nhiều doanh nghiệp, nhất là DNNVV khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế của DNNVV mà không thể sửa ngay, cần phải có thời gian; bởi đa phần các DN này bắt nguồn từ hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.

Để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, ông Nam kiến nghị các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ. Thay vì việc đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào, phương án sản xuất, kinh doanh của DNNVV. Các ngân hàng thương mại có thể “nới” chỗ này và “siết” ở chỗ khác. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể từ phía nhà điều hành chính sách, như khi tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì yêu cầu phải tăng tỷ lệ cho vay DNNVV lên một mức cụ thể.

“Ngân hàng nên thay đổi, tăng cường khả năng đánh giá, nhận biết chính xác về phương án kinh doanh của DNNVV, từ đó đánh giá tính khả thi và dòng tiền mang lại trong tương lai. Đồng thời phải nâng cao năng lực cán bộ tín dụng bởi rất nhiều cán bộ tín dụng quen với việc thẩm định những DN lớn có kết quả kinh doanh tốt, báo cáo tài chính minh bạch, phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, khả thi. Khi chuyển sang thẩm định các DNNVV, họ không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu. Đây là vấn đề quan trọng, các ngân hàng cần phải xử lý để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được vốn”, ông Nam nói.

Chuyên đề