Tính đến cuối năm 2018, nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn con số 52,7% của năm 2016 và mức 51,7% của năm 2017. Ảnh: Tường Lâm |
Chi phí trả nợ kém thuận lợi
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2018, nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn con số 52,7% của năm 2016 và mức 51,7% của năm 2017. Cũng theo cơ quan này, việc quản lý nợ công trong thời gian qua đã được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Dù vậy, theo ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, công tác quản lý nợ công trong thời gian tới vẫn còn một số vấn đề.
Đáng chú ý, cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Cụ thể, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2019; 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019 - 2021), điều này sẽ tác động đến việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN).
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối NSNN và đầu tư công trung hạn.
Không dễ thu hồi số nợ đã ứng trả hộ doanh nghiệp
Báo cáo mới nhất vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội cho biết, đến 31/12/2017, số tạm ứng trả nợ cho các dự án cho vay lại và các dự án được Chính phủ bảo lãnh đã ở mức 17.292 tỷ đồng.
Trong đó, 7 dự án được Chính phủ bảo lãnh 5.006 tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy Xi măng Sông Thao; Nhà máy Xi măng Hạ Long; Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Nhà máy Xi măng Thái Nguyên; Nhà máy Thủy điện Xekaman 3; Nhà máy Xi măng Đồng Bành và Nhà máy Giấy Việt Trì.
Thông tin về tình hình trả nợ cụ thể của các dự án này vẫn chưa được cập nhật và công bố. Riêng với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, ông Võ Hữu Hiển cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương và cơ quan này đang thực hiện xử lý, làm các thủ tục phá sản, bán đấu giá để thu hồi một phần tiền tạm ứng cho Quỹ tích lũy trả nợ.
Liên quan đến dự án này, theo Báo cáo vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ tích lũy trả nợ. Dự án này đã đắp chiếu từ lâu và 3 lần bán đấu giá nhưng không thành công.
Trao đổi về tính rủi ro của các khoản vay bảo lãnh và cho vay lại này, ông Hiển nhận xét, nhìn chung, trong thời gian qua, các khoản cho vay lại và bảo lãnh được ưu tiên cho những dự án quan trọng, cấp bách. Sau đó, tính toán dành một phần nguồn thu từ dự án để hoàn trả. Đây là những dự án trọng điểm mà doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng vốn. Đến nay, hầu như các dự án được bảo lãnh đều đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát huy tác dụng, điển hình là các công trình hạ tầng, các nhà máy điện.
“Tuy nhiên, việc bảo lãnh và cho vay lại này không tránh khỏi rủi ro. Khi các dự án bảo lãnh gặp khó khăn không trả được nợ thì phải trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ, hoặc tệ nhất là bán dự án để thu hồi. Với việc thực thi Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản có liên quan, việc bảo lãnh vay đã và đang được hạn chế đáng kể, để tránh tạo gánh nặng NSNN”, ông Hiển nhấn mạnh.