Nhiều lý do khiến dự án sử dụng đất chưa hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều địa phương, số lượng nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất khi địa phương thông báo mời quan tâm còn chưa nhiều, dẫn đến nhiều dự án không chuyển sang thủ tục đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Nguyên nhân dự án chưa có sức hút khá đa dạng, theo báo cáo công tác đấu thầu của địa phương.
Chưa có nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất khi các địa phương thông báo mời quan tâm. Ảnh: Lê Tiên
Chưa có nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất khi các địa phương thông báo mời quan tâm. Ảnh: Lê Tiên

Sức hút chưa lớn

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Giang cho biết, năm 2023, Bắc Giang đã thực hiện lựa chọn nhà đầu tư 6 dự án theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Các dự án có sử dụng đất (dự án khu dân cư, khu đô thị mới) trên địa bàn Tỉnh chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2023, Tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư 11 dự án sử dụng đất. Công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất được các địa phương quan tâm, nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, qua rà soát, dù đã gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án, nhưng các dự án thường chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký hoặc 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Tương tự, báo cáo của Sở KH&ĐT Hải Dương cho thấy, trong năm 2023, có 6 dự án khu dân cư, điểm dân cư trên địa bàn Tỉnh thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến hết thời gian đăng thông báo mời quan tâm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, mỗi dự án chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm.

Thống kê sơ bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia năm qua, nhiều dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực kinh nghiệm, thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự án có 1 nhà đầu tư đăng ký vẫn chiếm số lượng lớn.

Tình hình thị trường bất động sản nhiều biến động, lo ngại rủi ro về pháp lý dẫn đến tình trạng ít nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án có sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên

Tình hình thị trường bất động sản nhiều biến động, lo ngại rủi ro về pháp lý dẫn đến tình trạng ít nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án có sử dụng đất. Ảnh: Lê Tiên

Vẫn còn nhiều lo ngại

Sở KH&ĐT Bắc Giang lý giải, nguyên nhân chủ yếu là các dự án nằm trong lĩnh vực bất động sản, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư phụ thuộc vào thị trường, trong khi điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ đối với lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản, nhà đầu tư rất khó khăn trong việc huy động tài chính để thực hiện dự án. Tình hình thị trường bất động sản nhiều biến động, một số chính sách của Nhà nước chưa bảo đảm tính ổn định nên nhà đầu tư dễ gặp rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Đây có thể là những lý do dẫn đến tình trạng có ít nhà đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT Bắc Giang nêu ra thực tế, việc xác định giá trị tối thiểu mà nhà đầu tư phải cam kết nộp ngân sách nhà nước (m3) đối với các dự án có sử dụng đất, nhất là dự án khu đô thị, khu dân cư, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là khá cao, trong khi giá đất tại thời điểm đấu thầu chưa xác định (giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất) dẫn tới có nhiều rủi ro trong đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự quan tâm, tham gia của các nhà đầu tư.

Còn theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, một số bên mời thầu xác định sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng của dự án chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, sau khi ký hợp đồng, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao so với thực tế, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Việc xác định giá trị tiền sử dụng đất nộp ngân sách của dự án tại thời điểm đấu thầu còn nhiều vướng mắc, dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư của dự án.

Từ góc độ nhà đầu tư, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chịu sự điều chỉnh, liên quan đến quy định của nhiều hệ thống luật (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở...), dẫn đến khả năng rủi ro pháp lý cao hơn.

Cùng với đó, lo lắng lớn nhất là khó dự liệu được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; giải phóng mặt bằng khó khăn, gây chậm trễ, vốn của nhà đầu tư dễ bị “chôn” vào dự án. Có nhiều dự án 5 năm không giải phóng mặt bằng xong, khiến nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép, vừa phải chi trả lãi vay tiền giải phóng mặt bằng đã ứng, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất xác định tại thời điểm giao đất quá cao…

Trong một số trường hợp, quá trình từ khi lập quy hoạch đã có sự tham gia của 1 doanh nghiệp, cùng với tâm lý “không dành đất” của nhau khi đầu tư, dẫn đến nhiều dự án khi công bố chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký.

Chuyên đề