Nhiều đơn vị lơ là giám sát đầu tư

(BĐT) - Công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong những năm qua đã được các đơn vị tăng cường, tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị lơ là. Trong bối cảnh Luật Đầu tư công (sửa đổi) phân cấp, phân quyền rất mạnh thì công tác giám sát, hậu kiểm, đánh giá hiệu quả sau đầu tư càng cần được chú trọng để đảm bảo nguồn lực của Nhà nước đã đến đúng địa chỉ, phát huy tác dụng.
Giám sát, đánh giá sau đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Giám sát, đánh giá sau đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Phát hiện nhiều vi phạm qua giám sát, thanh, kiểm tra

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong năm 2018 có 30.521 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong số đó có 245 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.

Cũng trong năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 15.639 dự án, tổ chức đánh giá 22.265 dự án. Qua kiểm tra đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Các địa phương có số dự án thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Bắc Giang có 196 dự án, Phú Thọ 111 dự án, Quảng Ngãi 58 dự án. Thất thoát, lãng phí tại các dự án chủ yếu là chi phí không hợp lý được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Ngoài ra, thông qua giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện 416 dự án có vi phạm; 370 dự án đã có thông báo kết quả xử lý vi phạm; 81 dự án chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục vi phạm theo thông báo. 

Không thể đứng ngoài cuộc

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018, số lượng các dự án có báo cáo giám sát, được kiểm tra, đánh giá còn thấp so với tổng số các dự án thực hiện trong kỳ. Cụ thể, số dự án sử dụng vốn nhà nước có báo cáo giám sát mới đạt 76,6%, các dự án được kiểm tra mới đạt 27,8%, số dự án được đánh giá đạt 39,57%. Số liệu trên cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra đối với các chương trình, dự án đầu tư. Việc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành trong thời gian qua ở một số cơ quan còn thấp.

Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị chưa thực hiện báo cáo số liệu lên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Đến ngày 27/3/2018, trên Hệ thống thông tin của Bộ KH&ĐT đã nhận được báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 của 105/123 cơ quan, đạt 85,36%. Có 18 cơ quan không báo cáo trên Hệ thống thông tin hoặc có bản dự thảo báo cáo trên Hệ thống thông tin nhưng chưa duyệt chính thức (các số liệu dự thảo không được tổng hợp).

Trong số 18 cơ quan nói trên, Ủy ban Dân tộc đã có 3 kỳ liên tiếp không thực hiện báo cáo (năm 2016, năm 2017, năm 2018). Ngoài ra còn nhiều cơ quan báo cáo chưa đúng quy định như: chỉ gửi các phụ biểu số liệu, không có thuyết minh báo cáo trên Hệ thống thông tin; không nhập đầy đủ các số liệu báo cáo hoặc sai đơn vị tính… nên số liệu không được tổng hợp.

Một số tỉnh chưa triển khai công tác giám sát đầu tư của cộng đồng như Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên…

Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ KH&ĐT đề nghị lãnh đạo các cơ quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan. Kết quả xử lý gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong kỳ báo cáo tiếp theo. Đối với Ủy ban Dân tộc, đề nghị nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, đặc biệt tại Quốc hội, khi thảo luận về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, rất nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát, đánh giá sau đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước. Đây cần được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý đầu tư công.

Tại một cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đã khẳng định, đi đôi với phân cấp mạnh tại Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KH&ĐT sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng hiệu quả.

Chuyên đề