Số hóa giúp các ngân hàng tăng doanh thu, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Băn khoăn giữa hiệu quả kinh doanh và đầu tư công nghệ
Chia sẻ tại Diễn đàn công nghệ FPT 2019 ngày 21/11, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết: “Riêng việc số hóa bằng cách bỏ hóa đơn giấy của nhiều giao dịch, chúng tôi có thể tiết kiệm đến 10 tỷ đồng trong một năm. Đó là hiệu quả tức thời về mặt con số và lợi ích cho cả môi trường”.
Từ góc độ khác, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, khi xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, ban lãnh đạo của nhiều ngân hàng luôn đặt vấn đề nâng cao năng suất lao động thêm 30% - 40%, cắt giảm nhiều bước trong quy trình hoạt động. Với yêu cầu đó, nếu chỉ làm theo cách truyền thống thì không thể làm được. “Chúng tôi gọi số hóa là yếu tố thay đổi luật chơi. Số hóa giúp tăng doanh thu, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt hơn”, ông Khương nói.
Dù mang lại lợi ích như vậy song việc thực hiện số hóa trong các ngân hàng là không hề dễ dàng. Theo đó, giới quản trị ngân hàng phải giải quyết bài toán cân bằng giữa đầu tư cho công nghệ và hiệu quả kinh doanh.
Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chia sẻ: “Cùng trong một ngân hàng, bộ phận kinh doanh lại hay đổ thừa hiệu quả kinh doanh kém là do công nghệ, phàn nàn là đầu tư nhiều cho công nghệ nhưng hệ thống không mang lại hiệu quả ngay. Trong khi đó, trường hợp bộ phận kinh doanh gặp một đối tác có hứa hẹn triển vọng doanh thu thì về đặt yêu cầu ngay với bộ phận công nghệ. Có ngày, bộ phận công nghệ nhận đến hàng chục yêu cầu như vậy nhưng nguồn lực có hạn, không thể đáp ứng hết được”.
Để giải bài toán về sự đồng lòng này, theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cần có sự kết hợp giữa hai bên để cùng tháo gỡ. “Chúng ta phải biết chúng ta muốn gì và có bao nhiêu tiền, từ đó, cân đong các phương án để có giải pháp tối ưu nhất. Nên nhớ, hầu hết các ông chủ nhà băng chỉ giao chỉ tiêu hiệu quả về doanh số chứ không giao chỉ tiêu hiệu quả về chuyển đổi số. Trong khi đó, chúng ta vẫn cần hài hòa giữa 2 yếu tố đó bởi chuyển đổi số là quá trình mang lại lợi nhuận tích lũy cho chặng đường trung và dài hạn của ngân hàng”, ông Hưng nói.
Bảo mật là chiến lược quan trọng hàng đầu
Không chỉ gặp trở ngại với bài toán hiệu quả kinh doanh, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đều phải đối mặt với rủi ro về bảo mật thông tin. Ông Robert Trọng Trần, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn an ninh mạng của EY Việt Nam nhận định: “Càng bước sâu vào thời đại số, nhiều điểm yếu trong hệ thống thông tin doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Kết quả một nghiên cứu tin cậy cho thấy, cứ 100 công ty fintech thì có đến 98 công ty có lỗ hổng về bảo mật thông tin. Nếu chúng ta áp dụng những công nghệ số này vào ngân hàng thì cũng đồng nghĩa với việc tạo lỗ hổng trong hệ thống thông tin”.
Tuy nhiên, ông Robert Trọng Trần cho rằng, không có bất cứ một công ty nào 100% an toàn về thông tin nên chúng ta buộc phải chấp nhận và sống chung với rủi ro trong thời đại số hiện nay. Do đó, lời khuyên của vị chuyên gia bảo mật này dành cho các ngân hàng là trước khi muốn quản lý an toàn thông tin, các công ty phải có một chiến lược bảo vệ thông tin và xem đây là chiến lược quan trọng hàng đầu.
“Chúng ta bắt buộc phải đặt an toàn số vào các hoạt động kinh doanh hàng ngày để cho dù sự tấn công có xảy ra, thì chúng ta cũng sẵn sàng ứng phó và có thể trả lời được câu hỏi ngân hàng có thể hoạt động bình thường trong bao lâu”, ông Robert Trọng Trần nhấn mạnh.
Bình luận về xu hướng chuyển đổi số của các ngân hàng hiện nay, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch NAPAS nói: “Cuộc sống đang thay đổi mạnh mẽ, lãnh đạo ngân hàng và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều. Điều này làm cho câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam không còn quá xa vời và tôi tin là sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.