Mở tuyến đường thịnh vượng cho tương lai

(BĐT) - Các tuyến đường bộ cao tốc sẽ là những động mạch chủ quan trọng nhất làm nên sự thịnh vượng cho đất nước trong 5 năm tới đây.
Ngành GTVT đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam
Ngành GTVT đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam

Những ý tưởng đầu tiên

Câu chuyện bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX khi mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam xuất hiện đoạn đường “tiền” cao tốc đầu tiên từ Pháp Vân tới Cầu Giẽ được đầu tư từ vốn dư ODA của các dự án tái thiết Quốc lộ 1.“Sau chút ngỡ ngàng với đoạn đường rộng thênh thang, đã có những câu hỏi được đặt ra: Liệu có lãng phí không khi làm đường rộng mà chỉ có ít xe chạy?”, ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, đơn vị lập khảo sát quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhớ lại.

Vào thời điểm đó, chưa mấy ai ủng hộ làm đường cao tốc, lý do là đất nước còn nghèo, GDP chưa vượt ngưỡng 1.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cho thấy, bằng cách nào cũng phải đầu tư xây dựng đường cao tốc, nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Trên thực tế, ngay tại thời điểm đó, mặt cắt đường cấp III đồng bằng hai làn xe không còn đáp ứng lưu lượng xe lên đến trên 5.000 - 6.000 xe thực tế/ngày đêm. Những vụ tắc xe liên tục với tần suất, quy mô rất lớn trên Quốc lộ 1 trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2000 là tiếng chuông cảnh báo cho ngành giao thông vận tải (GTVT), đặt ra yêu cầu phải có một chuyển hướng chiến lược trong xây dựng và phát triển đường bộ.

“Chính vì vậy, có thể coi năm 2000 là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu chuyển hướng chiến lược đầu tư đối với các tuyến quốc lộ chính yếu của ngành GTVT, chuyển từ khôi phục cải tạo sang mở rộng, làm mới, làm đường cao tốc”, ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Thấy rõ hiệu quả và lợi ích của việc đầu tư xây dựng đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho triển khai các đoạn tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Láng - Hòa Lạc, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng… và một bản kế hoạch về xây dựng mạng đường cao tốc Việt Nam đến 2010, 2015 và 2020 được đề ra.

Vấn đề khó khăn nhất là tìm nguồn vốn ở đâu để triển khai được bản kế hoạch đầy tham vọng này. Và chính từ đây, ý tưởng về việc cần sớm phải thành lập một công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc theo hướng xã hội hóa các hình thức đầu tư đã được hình thành với mệnh đề xuyên suốt là: Làm đường cao tốc với phương châm “ô tô làm ra đường”: Ô tô muốn đi với tốc độ nhanh, văn minh, thuận tiện, an toàn thì người tham gia giao thông phải cùng với Nhà nước bỏ tiền ra làm đường.

Sau khi mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 56 km là công trình cao tốc đúng nghĩa đầu tiên được Chính phủ chọn đầu tư thí điểm. Công trình này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư tháng 5/2005 có mặt cắt ngang 6 làn xe, bề rộng nền 35,5 m.

Theo phương án ban đầu, tuyến dự kiến trùng với Quốc lộ 1 nhưng do bị vướng giải phóng mặt bằng và chiếm dụng toàn bộ Quốc lộ hiện hữu với vai trò của một tuyến đường song hành có chức năng quan trọng liên kết các khu dân cư, đô thị dọc Quốc lộ 1A nên không khả thi.

“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ GTVT quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phương án tuyến nằm ở phía Đông Quốc lộ 1A và đây cũng chính là điểm khởi đầu cho tuyến cao tốc huyết mạch Bắc - Nam phía Đông tương lai”, ông Nguyễn Việt Tiến cho biết.

Tuyến đường khai mở

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – đơn vị được giao nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong xây tuyến đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam, đó là một thách thức rất lớn, ngoài 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ cấp qua việc bán quyền thu phí, VEC vừa phải mở đường trên thực địa vừa bám các bộ, ngành, Chính phủ để tìm một lối mở pháp lý cho hoạt động của đơn vị mình.

Cũng phải mất thêm 5 năm kể từ khi đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được chọn đầu tư, một bản quy hoạch về tuyến đường bộ hiện đại, chất lượng cao có quy mô vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mới đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô từ 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng kéo dài đến tận năm 2030.

Mục tiêu của bản quy hoạch này là đặt cơ sở pháp lý cao nhất để huy động vốn cho việc hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (đường sắt, cảng biển, sân bay…) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Trên thực tế, tốc độ triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được đi nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, sau khi đoạn cao tốc Bắc - Nam đầu tiên phía Đông (đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình) hoàn thành vào năm 2012, tính đến tháng 9/2015, đã có thêm 2 đoạn tuyến nữa đã được xây dựng xong là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương. Những hiệu ứng tích cực của các tuyến cao tốc vừa hoàn thành đang mang lại những động lực phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo cho nhiều địa phương.

Cho đến thời điểm này, lĩnh vực đầu tư đường cao tốc không còn là sân chơi của riêng VEC – doanh nghiệp sau 10 năm khởi nghiệp từ quy mô 1.000 tỷ đồng đã sở hữu vốn điều lệ lớn bậc nhất Việt Nam lên tới hơn 72.000 tỷ đồng.

Vào thời điểm này nhìn vào danh sách “trùng điệp” các nhà đầu tư BOT, BT… đang xếp hàng chờ đấu thầu các dự án BOT cao tốc do Bộ GTVT quản lý, bên cạnh các “đại gia” như VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính, có không ít doanh nghiệp “phú nông”, những đại gia tài chính, bất động sản - những người luôn có xu hướng ăn chắc, mặc bền nay sốt sắng mở hầu bao dồn vốn cho các dự án cao tốc.

Nếu xét theo quy mô đầu tư trung bình khoảng 10 triệu USD/km cao tốc, thì có thể nói, các nhà đầu tư đã bỏ qua được sự rụt rè, thận trọng cố hữu để bỏ vốn “dát vàng” xây nên những tuyến đường thịnh vượng cho đất nước.

Được biết, mắt xích quan trọng nhất trong gói cơ chế kêu gọi vốn đầu tư tuyến cao tốc phía Đông chính là việc Bộ GTVT thuyết phục được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư trên cơ sở mức thu phí hợp lý và kéo được các tổ chức tín dụng lớn cùng vào cuộc. 

Những mạch chủ cho nền kinh tế

Không chỉ đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam, với việc đưa vào khai thác Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 46 km vào sáng 2/1/2015, Bộ GTVT đã hoàn thành được 750 km đường cao tốc, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đây đều là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam, cao tốc kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và các cửa khẩu quốc tế; bao gồm: cao tốc TP.HCM - Trung Lương, 40 km; Pháp Vân - Cầu Giẽ, 30 km; Cầu Giẽ - Ninh Bình, 50 km; Liên Khương - Đà Lạt, 19 km; Vành đai 3 TP. Hà Nội đoạn cầu Phù Đổng - Mai Dịch, 28 km; Đại lộ Thăng Long, 30 km; Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, 62 km; Nội Bài - Lào Cai, 245 km; TP. Lào Cai - cầu Kim Thành, 19 km; đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, 25 km; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, 51 km; Hà Nội - Hải Phòng, 105 km.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, trong 5 năm tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục triển  khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc. Trong đó, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam: hoàn thành các dự án đường cao tốc đang thi công Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu (Cảng Cái Mép), Bắc Giang - cửa khẩu Đồng Đăng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), Vân Đồn - Móng Cái (cửa khẩu Móng Cái), TP.HCM - Mộc Bài...

“Sẽ có ít nhất 600 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được hoàn thành trong 5 năm tới để thay thế Quốc lộ 1 trở thành tuyến đường thịnh vượng mới của đất nước. Bên cạnh đó, việc cả nước có 2.000 km cao tốc cũng không phải là giấc mơ xa vời”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.

Chuyên đề