Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Nhiều điểm mới có lợi cho DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với số phiếu tán thành cao, ngày 17/6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) khẳng định, Luật có nhiều điểm mới có lợi cho DN, kỳ vọng tạo bước đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của DN.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cắt giảm được nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Ảnh: Tiên Giang
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cắt giảm được nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Ảnh: Tiên Giang

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Với 10 chương, 218 điều, Luật DN (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật DN (sửa đổi) được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội cho thấy, Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Liên quan đến thông báo mẫu dấu của DN (Điều 43), Luật không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu của DN với cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi theo nhiều đại biểu Quốc hội, thủ tục thông báo mẫu dấu của DN cho cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ là thủ tục hành chính. Việc bỏ thủ tục này là giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước, góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh quốc gia. Để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của DN, Luật thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay...

Quy định về DN nhà nước, Luật sửa đổi khái niệm DN nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại DN có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình DN có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Khung khổ pháp lý về quản trị DN thay đổi theo chuẩn mực quản trị quốc tế. Theo đó, mở rộng mức độ, phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông; mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý...

Về quyền của cổ đông phổ thông, Điều 115, Luật DN (sửa đổi) quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền xem xét, tra cứu và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính, yêu cầu triệu tập họp đại đội đồng cổ đông trong một số trường hợp... Luật cũng bãi bỏ quy định về thời gian sở hữu “ít nhất 6 tháng liên tục”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bãi bỏ quy định này nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông. Bởi thực tế, nhiều trường hợp nhà đầu tư đã mua lượng cổ phần rất lớn trong DN, nhưng do chưa đáp ứng được quy định về thời gian sở hữu ít nhất 6 tháng liên tục, nên không thực hiện được quyền và lợi ích chính đáng của mình… 

Kỳ vọng cải thiện chất lượng doanh nghiệp

Trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề hành lang Quốc hội ngay sau khi Luật DN (sửa đổi) được thông qua, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Luật có nhiều điểm mới có lợi cho DN, trong đó cắt giảm được nhiều rào cản cho DN tham gia thị trường…”.

Đối với những cải cách nhằm nâng cấp quản trị DN, ông Hòa cho rằng, đây là một trong những yếu tố quyết định thành bại đối với DN. “Thực tế, quản trị DN ở nước ta còn không ít hạn chế. Với những quy định chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế, tôi tin tưởng chất lượng quản trị DN sẽ được nâng lên”, ông Hòa kỳ vọng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, Luật DN (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn, minh bạch và rõ ràng hoạt động kinh doanh của DN. Đơn cử, Luật có những quy định rất chặt chẽ đối với huy động vốn, nhất là những trường hợp liên quan đến phát hành trái phiếu trên thị trường gắn với pháp luật về chứng khoán... “Những điểm mới của Luật sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho DN, góp phần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Ngân khẳng định.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng, với nhiều điểm mới như trên, khi có hiệu lực, Luật sẽ thúc đẩy cả về chất lượng và số lượng DN.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật DN (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, Luật trình Quốc hội kỳ này đã đáp ứng được yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đảm bảo sự đồng bộ, rõ ràng hơn trong các quy định, sửa nhiều điều tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Những sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được cơ bản những bất cập, khiếm khuyết của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho DN trong việc tuân thủ quy định của Luật.

Chuyên đề