Lợi nhuận ngân hàng quý I tăng: chớ vội mừng!

Số liệu từ các ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận quý I/2016 đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng đáng chú ý, khoản dự phòng rủi ro của quý này chưa được tính đến.
Lợi nhuận nhiều nhà băng bị “bào mòn” do trích lập dự phòng lớn
Lợi nhuận nhiều nhà băng bị “bào mòn” do trích lập dự phòng lớn

Dự phòng lớn đầu năm…

Với ước lợi nhuận trước thuế đạt 201,4 tỷ đồng trong quý I/2016, tăng 74,67% so với cùng kỳ 2015, Vietcombank (VCB) cho biết, sẽ kiểm soát các chi phí để đảm bảo mức tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ bình quân năm 2016 là 5,7%.

Theo Chủ tịch HĐQT VCB Nghiêm Xuân Thành, trong quý vừa qua, VCB tăng trưởng rất khả quan: tín dụng tăng 6,7%, nợ xấu giảm còn 1,76%, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro 3.600 tỷ đồng, sau trích lập là 2.300 tỷ đồng (tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước).

“Như vậy, với thời điểm thường có sự tăng trưởng thấp nhất như quý I/2016, thì VCB đã đạt 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm (7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2015). Tăng trưởng tín dụng bảo đảm an toàn và hiệu quả, với tín dụng tăng 17%, huy động vốn tăng 15% và khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Tổng tài sản dự kiến tăng lên 765.438 tỷ đồng (tăng 13,5%).

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu cuối quý I đã giảm nhẹ so với mức đầu năm, nhưng số tuyệt đối lại tăng do tín dụng tăng. Vì thế, tổng số trích lập dự phòng rủi ro trong quý I/2016 của VCB dự kiến là 1.300 tỷ đồng và cả năm là 5.500 tỷ đồng”, ông Thành cho biết.

Đối với SHB, Ngân hàng cũng cho hay, kết thúc quý I/2016, huy động vốn tại thị trường 1 của SHB đạt 163.666 tỷ đồng, tăng 3,91% so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay đạt 137.647 tỷ đồng, tăng 4,73% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế quý I/2016 đạt trên 300 tỷ đồng trước dự phòng rủi ro. Năm 2016, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 232.036 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2015. Vốn chủ sở hữu là 12.980 tỷ đồng, tăng 15,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 32,7%. Cổ tức dự kiến 8,5%.

Về kết quả xử lý nợ xấu năm 2015, SHB đã xử lý được 4.400 tỷ đồng, trong đó xử lý bằng tiền mặt là 2.100 tỷ đồng và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do VAMC chưa tất toán trái phiếu đặc biệt, nên trên bảng cân đối của SHB vẫn còn 7.000 tỷ đồng.

Tại Eximbank (EIB), tính đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của EIB đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 500 tỷ đồng.

Theo EIB, Ngân hàng đã và tiếp tục thực hiện việc hạch toán phân bổ đầy đủ các khoản chi phí dự phòng rủi ro, tăng năng lực tài chính. EIB đã lên kế hoạch kinh doanh của năm 2016 để chuẩn bị trình ĐHCĐ vào ngày 29/4 tới với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 576 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên 2016 vừa diễn ra, lãnh đạo ACB cho hay, tính đến ngày 31/3/2016, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 6%, còn tính đến ngày 7/4/2016, mức tăng trưởng tín dụng là 7,2%. Huy động tiền gửi tăng 5% so đầu năm. Lợi nhuận quý I/2016 ước đạt 400 tỷ đồng sau khi trích dự phòng 200 tỷ đồng.

Kế hoạch trong năm nay, ACB tiếp tục trích lập 1.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro, trong đó có 1.000 tỷ đồng được trích cho các khoản nợ xấu liên quan đến nhóm 6 công ty của “bầu” Kiên. ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2016 đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015.

...lo lợi nhuận bị “bào mòn” cuối năm

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của VietABank, trước câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2016, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó tổng giám đốc thường trực ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng. Cả năm, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 201,4 tỷ đồng (tăng 74,67%). Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ làm tăng áp lực về dự phòng rủi ro. Trong năm 2015, VietABank đã lãi trước thuế hơn 115 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập, chỉ còn 69,6 tỷ đồng lợi nhuận được giữ lại. Hiện VietABank đang trình NHNN phương án chia cổ tức.

Với mùa ĐHCĐ 2016 đang diễn ra từ nay đến hết tháng 5/2016, bức tranh nợ xấu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nếu tuân thủ đúng quy định trích lập dự phòng rủi ro, việc hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu chắc chắn sẽ “bào mòn” đáng kể lợi nhuận của các nhà băng.

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng còn khoảng 179.501 tỷ đồng nợ quá hạn và 200.000 tỷ đồng nợ xấu, đều giảm đáng kể so với con số của năm 2014. Nợ xấu giảm nhanh chủ yếu là nhờ bán nợ cho VAMC, với tổng số là hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC làm tăng dự phòng rủi ro, vì theo quy định, các ngân hàng phải trích lập 20% dự phòng cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC sau khi bán nợ xấu. Như vậy, dự phòng rủi ro sẽ tăng lên hàng năm.

Việc trích lập dự phòng tại nhiều ngân hàng thường tăng mạnh trong thời điểm cuối năm, khiến lợi nhuận bị suy giảm mạnh trong quý IV hàng năm. Chẳng hạn, chỉ tính riêng quý IV/2015, EIB đã lỗ tới 463 tỷ đồng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của EIB tăng đột biến lên 935 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2014.

Lũy kế cả năm 2015, EIB đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vẫn tăng 11% so với năm 2014. Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cho EIB tính đến cuối năm 2015 đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Dự phòng trái phiếu đặc biệt chiếm hơn 979 tỷ đồng.

Rõ ràng, nợ xấu đang giảm nhanh, nếu xét về tỷ lệ, nhưng tổng quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả với các ngân hàng lớn (BIDV, Vietcombank, Vietinbank…) Chính vì vậy, năm 2016, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC. Theo số liệu thống kê, năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, và con số dự phòng năm nay tiếp tục không hề nhỏ.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, tại thời điểm này, do việc trích lập dự phòng cao, nên các nhà băng thuyết phục cổ đông “hy sinh” lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu. Bởi các ngân hàng không thể không tăng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động, mà vẫn đáp ứng được kỳ vọng cổ tức cao của cổ đông.

Chuyên đề