Lời giải nào cho bài toán thiếu lao động?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày qua, dòng người lao động lũ lượt rời khỏi TP.HCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ để trở về quê hương và chưa biết ngày trở lại bắt đầu trở thành nỗi lo lớn với nhiều doanh nghiệp. Sau khi phải đóng cửa mấy tháng, bài toán khó của doanh nghiệp khi hoạt động trở lại là đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu hụt nguồn nhân lực.
Do áp lực tăng trưởng, thu ngân sách, nhiều địa phương chấp nhận những dự án sử dụng nhiều lao động, cho dù nguồn lao động tại chỗ không có, phải dựa vào lao động di cư. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Do áp lực tăng trưởng, thu ngân sách, nhiều địa phương chấp nhận những dự án sử dụng nhiều lao động, cho dù nguồn lao động tại chỗ không có, phải dựa vào lao động di cư. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Doanh nghiệp mất lao động, khó chồng thêm khó

Trao đổi với PV Báo Đấu thầu, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, khảo sát nhanh trong tháng 10 tại 300 doanh nghiệp tại TP.HCM cho thấy, chỉ có 40% người lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi Thành phố thực hiện mở cửa.

Theo ông Việt Anh, hiện khó khăn lớn nhất là việc đi lại giữa các tỉnh, nhiều lao động thuê nhà ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An lên TP.HCM làm việc, nên không thể vào TP.HCM được; thứ hai là tâm lý sợ dịch; cuối cùng là sự thiếu thốn về vật chất. Ông Việt Anh đề xuất Chính phủ đốc thúc các địa phương cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin được đi lại bình thường.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu về ngành da giày trong làn sóng Covid-19 năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố cho thấy, các trung tâm sản xuất miền Nam đã trải qua 70 ngày ngừng hoạt động, hơn 17 khu công nghiệp của TP.HCM chỉ hoạt động trên 26% công suất. Theo nhóm nghiên cứu, để duy trì “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải chi 2,2 triệu đồng/người/tuần, nếu một nhà máy có 1.000 công nhân là 2,2 tỷ đồng/tuần, các chi phí này chỉ là phụ cấp, ăn ở, xét nghiệm.

Một con số đáng mừng là hơn 89% người lao động di cư, 96% lao động địa phương muốn tiếp tục đi làm ở nhà máy hiện tại khi hết giãn cách. Tuy nhiên, cũng phải mất 3 - 5 tháng để họ trở lại nhà máy làm việc.

Nhóm nghiên cứu đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương. Đồng thời, phối hợp với địa phương hỗ trợ đi lại, chi phí xét nghiệm để người lao động quay trở lại làm việc càng sớm càng tốt.

Giữ chân, mời gọi là giải pháp trước mắt

Tình cảnh các doanh nghiệp, khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... thiếu lao động sau dịp lễ tết là chuyện "cơm bữa" diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau đại dịch, tình hình nguy cấp hơn nhiều. Để hạn chế những tổn thương, đứt gãy chuỗi sản xuất sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi công nhân ở lại. Khu công nghệ cao TP.HCM đang có kế hoạch khẩn trương mời gọi người lao động trở lại làm việc. Thậm chí, nhiều giám đốc, quản lý nhân sự, nhân viên hành chính phải trực tiếp gọi điện cho hàng nghìn công nhân để mời gọi họ trở lại làm việc.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mời gọi lao động chỉ là giải pháp ngắn hạn. Muốn tính bền lâu, doanh nghiệp, địa phương phải chung tay giải quyết nơi ăn, chốn ở và sinh kế cho người lao động trong dài hạn để họ coi nơi làm việc như quê hương thứ hai, gắn bó lâu dài.

"Vấn đề xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, xây dựng ký túc xá cho các khu công nghiệp, khu đô thị gắn với khu công nghiệp được nhắc đến nhiều năm qua, nhưng ở nhiều nơi chưa được giải quyết dẫn đến lao động bậc cao, phổ thông nhập cư đều phải ở tại những khu nhà trọ tồi tàn. Điều kiện mua nhà khó khăn khiến họ chỉ coi nơi làm việc để kiếm ăn chứ chưa phải nơi sống", bà Phạm Chi Lan cho biết.

Thực tế, thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp là vấn đề Việt Nam gặp phải trong mấy năm trở lại đây do sự tăng trưởng nóng của các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến nông thủy sản và lắp ráp điện tử.

Bên cạnh đó, do áp lực tăng trưởng, thu ngân sách, nhiều địa phương chấp nhận những dự án sử dụng nhiều lao động, cho dù nguồn lao động tại chỗ không có, phải dựa vào lao động di cư. Đi cùng với giá trị xuất khẩu hàng chục tỷ USD là lượng lao động cực lớn cho các dây chuyền sản xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục tình trạng nền kinh tế thâm dụng lao động, gia tăng các vấn đề liên quan đến lao động, cần nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là giải quyết việc làm tại chỗ. Các địa phương phải xây dựng hạ tầng tốt để mời gọi đầu tư, tránh việc đổ dồn các nhà máy xí nghiệp cần sử dụng lượng lớn lao động vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, gây áp lực cho hệ thống giao thông, an sinh và xã hội.

Ngoài ra, bài toán dài hơi hơn là cần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động để tăng năng suất, sản lượng công nghiệp; chọn lọc dự án đầu tư, nhường quỹ đất, dư địa tại các khu kinh tế, khu công nghiệp cho các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn nhưng ít đòi hỏi lao động hơn.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề